Chế tài đối với người điều khiển phương tiện sử dụng bia, rượu có hiệu quả nhất định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), chia sẻ quan điểm cá nhân về thực trạng người điều khiển phương tiện cố tình sử dụng bia, rượu…
Việc áp dụng chế tài xử phạt đối với lái xe sử dụng rượu, bia rất cần thiết

Việc áp dụng chế tài xử phạt đối với lái xe sử dụng rượu, bia rất cần thiết

Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến, hiện nay, chế tài xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà sử dụng bia, rượu là khá nghiêm khắc. Mức xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP cao hơn rất nhiều so với quy định trước đây tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Trường hợp người tham gia giao thông vi phạm ngoài bị xử hành chính bằng tiền, còn bị tước GPLX có thời hạn. Và trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bia, rượu gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xử lý bằng hình sự.

Còn nhớ, ngay sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực với mức xử phạt rất nghiêm khắc thì phần lớn mọi người đều sợ bị xử phạt nên tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia đã giảm rõ rệt, đặc biệt là đối với những lái xe ô tô chuyên nghiệp. Tuy nhiên gần đây, thực trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng bia, rượu có vẻ tăng lên. Thực tế, chúng ta cũng luôn có cảm giác là hễ cứ khi nào báo đài hay các phương tiện truyền thông thông tin về cao điểm xử lý nồng độ cồn của cơ quan chức năng thì tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia có vẻ được hạn chế. Và ngược lại…

Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến, nói như trên để thấy rằng, việc áp dụng chế tài, mức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là rất cần thiết và đã mang lại những hiệu quả nhất định. Thế nhưng nếu chỉ dựa vào quy định, chế tài và coi quy định, chế tài là thứ duy nhất để thay đổi hiện tượng và thậm chí là một thói quen của xã hội thì rất khó để đạt được hiệu quả như mong muốn. Và đôi khi nếu cứ chỉ gia tăng hoặc lạm dụng chế tài xử lý hành vi vi phạm còn dẫn tới hiện tượng “nhờn luật” hoặc “trai lỳ luật” và hình thành tâm lý đối phó. Bởi lẽ hầu hết chúng ta đều cảm nhận rất rõ là “văn hóa rượu, bia” luôn hiện diện ở trong mọi mặt, sự kiện của đời sống xã hội ta từ hàng trăm, nghìn năm nay.

Do đó, bên cạnh hệ thống quy định, chế tài đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia thì rất cần có sự thay đổi lớn về văn hóa nói chung và “văn hóa rượu, bia” nói riêng, trong mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Để từ đó, mỗi cộng đồng dân cư và mỗi cá nhân hình thành được thói quen, ý thức tích cực, làm chủ được mình, trong việc sử dụng rượu, bia, đặc biệt là khi tham gia giao thông.

Mặt khác, các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền cũng nên xem xét, nghiên cứu để mở rộng đối tượng, hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự khi điều khiển phương tiện giao thông mà sử dụng rượu, bia, không nhất thiết cứ phải gây hậu quả nghiêm trọng.