Chế tài để học sinh không "nhờn" Luật Giao thông

ANTD.VN - Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật với học sinh vi phạm an toàn giao thông để răn đe, giáo dục. 

Học sinh thường xuyên mắc lỗi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT phải vào cuộc quyết liệt trong việc giáo dục, răn đe học sinh không vi phạm an toàn giao thông. Hiệu trưởng cũng được quy rõ trách nhiệm trong việc triển khai và kết quả thực hiện. Thực tế, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn thường xảy ra nhưng các trường đều chưa có biện pháp phù hợp để hạn chế.

Kiểm tra, giám sát hàng ngày

Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo quyết liệt các nhà trường tổ chức họp với phụ huynh học sinh để tuyên truyền, vận động, ký cam kết việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện tham gia giao thông; Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào nội quy nhà trường và là một trong các nội dung đánh giá thi đua năm học.

Các Sở cần quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật phù hợp với những trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông để răn đe, giáo dục học sinh và thông báo cho tất cả phụ huynh biết để cùng thực hiện. Bộ cũng yêu cầu giao cho giáo viên chủ nhiệm có hình thức kiểm tra, giám sát hàng ngày đối với học sinh, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong việc triển khai và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy an toàn giao thông trong trường học; lấy thái độ, hành vi về thực hiện an toàn giao thông của học sinh là tiêu chí đánh giá rèn luyện, xếp loại.

Học sinh vẫn “nhờn” với cách xử  lý hiện hành

Từ tháng 3-2016, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đưa ra quy định xử phạt học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ với hình thức cao nhất là buộc thôi học một tuần. Sau khi quy định này nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phải ban hành văn bản mới quy định xử lý kỷ luật đối với học sinh vi phạm an toàn giao thông căn cứ vào quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28-3-2011 của Bộ GD-ĐT.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội, thực tế, lâu nay, các trường vẫn áp dụng các chế tài nói trên nhưng hiệu quả không cao. Việc phối hợp với cơ quan công an cũng chỉ mang lại hiệu ứng tức thời trong những đợt ra quân, tăng cường xử phạt hay phạt nguội. Sau các đợt cao điểm thì tình trạng vi phạm lại tái diễn với sự ngầm ủng hộ của phụ huynh cho con đi xe máy đến trường dù chưa đủ tuổi.

Về vấn đề này,  TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hình thức xử lý quyết liệt như phạt buộc nghỉ học một tuần vấp phải sự phản đối là do các bậc phụ huynh lo lắng không có người trông con khi các em bị phạt. Nỗi lo này lấn át cả vấn đề trẻ em vi phạm Luật Giao thông, chính điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. 

TS. Vũ Thu Hương cho biết, chương trình giáo dục mầm non đã có phần giáo dục ý thức an toàn giao thông. Giáo dục phổ thông cũng nói nhiều đến việc này. Do đó, nếu học sinh biết mà vẫn vi phạm thì đương nhiên cần có những hình thức phạt thích đáng, không thể để các em vi phạm hết lần này đến lần khác.

Bởi nếu học sinh gây ra tai nạn giao thông thì hậu quả không chỉ ảnh hưởng tới các em mà còn tới cả những người xung quanh. Vì thế, việc đưa ra những hình thức phạt quyết liệt là hợp lý. Đây chính là những cách thức cảnh cáo, răn đe để học sinh rút kinh nghiệm.