Chạy theo và ăn theo

ANTĐ - Lịch sử V-League suốt 15 năm qua chưa thấy một trận đấu đầu mùa giải nào lại được hầu hết các cơ quan truyền thông trong nước tường thuật trực tiếp và đưa tin rầm rộ như trận HAGL-Khánh Hòa. Đội bóng phố Núi đi đến đâu, giới truyền thông săn đón, đưa tin đến đó; đi tới sân nào là sân đó “sốt” vé. 1.000 chiếc áo đấu của 2 “ngôi sao” đội bóng là Công Phượng, Tuấn Anh bán hết chỉ trong thời gian ngắn. 

Chạy theo và ăn theo ảnh 1Cơn sốt HAGL khiến người ta có cảm giác phần còn lại của V-League đang bị lãng quên

Sức hút của HAGL lớn tới mức “nhà đài” sẵn sàng phá kế hoạch trực tiếp trận SHB Đà Nẵng – SLNA để “nhường sóng” cho trận HAGL đến làm khách sân Long An cuối tuần này, đồng thời cho biết sẽ “bao sóng” toàn bộ các trận có HAGL thi đấu sau khi nhận thấy sự quan tâm dành cho đội bóng này ngày một lớn và kéo theo đó là khoản lợi nhuận khổng lồ từ tiền quảng cáo. 

Ở V-League lúc này, những Công Phượng, Tuấn Anh… đang là “con gà đẻ trứng vàng” không chỉ cho HAGL mà cho nhiều đơn vị khác ăn theo kiếm lời. Một lãnh đạo CLB SLNA chia sẻ: “Quyết định hủy tường thuật trận SLNA gặp SHB Đà Nẵng của “nhà đài” đã gây tổn thất lớn cho đội bóng về mặt quảng cáo, kêu gọi tài trợ vốn đang rất khó khăn.

Mặt khác khán giả Nghệ An ở xa không có dịp tới sân cũng mất luôn cơ hội thưởng thức đội nhà thi đấu qua sóng truyền hình. Thiệt hại phải nhận sẽ rất lớn”. Không riêng SLNA hay SHB Đà Nẵng, những cặp đấu bị “hủy sóng” để “nhường sóng” cho các trận của HAGL cũng chịu chung thiệt hại.

HAGL giờ là thương hiệu “hot” và những Công Phượng, Tuấn Anh trở thành “báu vật” bất khả xâm phạm mà điển hình là việc ông Chủ tịch VFF chỉ thị cho giới trọng tài phải tập trung bảo vệ đôi chân của các “báu vật” HAGL (chứ không phải bảo vệ đôi chân các cầu thủ ở V-League) và gọi đó là cách “bảo vệ nền bóng đá Việt Nam”!? Người ta cho rằng cách “giao nhiệm vụ” của người đứng đầu VFF chỉ khiến cấp dưới thêm khó xử mỗi khi phải cầm còi trận đấu có đội bóng do ông Phó chủ tịch VFF làm chủ.

Vụ vỡ sân Pleiku, Ban Kỷ luật VFF cũng chỉ đưa ra mức phạt nhẹ nhất kiểu “cho có lệ”, bất chấp việc lãnh đạo một số đội bóng phản đối vì cho rằng mức án đó thiếu sức răn đe, vì sự cố xảy ra đầu mùa càng cần phải xử nghiêm để làm gương cho suốt mùa giải. Những động thái phát ra từ giới quản lý bóng đá khiến người ta có cảm giác, tổ chức này cũng đang chạy theo hiện tượng HAGL.

Liệu sự chạy theo của giới quản lý, sự ăn theo của doanh nghiệp, bộ phận truyền thông có giúp ích cho sự phát triển của V-League hay chỉ khiến giải đấu mất đi sự cân bằng và tính công bằng?

Chen lấn mua vé xem trận ĐTLA-HAGL

Nhu cầu được xem Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… thi đấu đang lên cao ở Long An dù ngày 11-1, trận đấu giữa chủ nhà ĐTLA gặp HAGL mới diễn ra. 9h sáng qua (8-1), khi BTC sân Long An mở cửa bán vé, hàng ngàn người chầu chực từ sáng sớm và chen lấn để được vào mua vé buộc BTC phải tăng cường thêm lực lượng bảo vệ, dân phòng. Sân Long An có sức chứa khoảng 20.000 người nhưng do cơ sở hạ tầng xuống cấp nên để bảo đảm an toàn cho trận đấu sắp tới, BTC chỉ phát hành 10.500 vé. Với nhu cầu mua vé xem HAGL thi đấu cao như hiện nay, gần như chắc chắn số vé này sẽ được bán hết. BTC cũng bố trí màn ảnh rộng phía ngoài sân để phục vụ người hâm mộ đồng thời huy động tối đa lực lượng an ninh đảm bảo an toàn trận đấu ngày 11-1 tới.