Hoạt động quân sự gia tăng, Biển Đông đối mặt nguy cơ bùng nổ xung đột

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Biển Đông vẫn tiếp tục “nóng” lên bởi sự gia tăng các hoạt động quân sự của Trung Quốc và một số nước ngoài khu vực trong thời gian gần đây. Nếu không kiểm soát các hoạt động này cùng đề cao sự tôn nghiêm của luật pháp quốc tế, sự căng thẳng có thể biến thành đối đầu quân sự.
Anh dự kiến sẽ cử tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Đông Á tập trận

Anh dự kiến sẽ cử tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Đông Á tập trận

Những tác nhân làm Biển Đông “nóng” lên

Căng thẳng trước hết là từ các bước đi có hệ thống của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa mục tiêu độc chiếm Biển Đông bằng sức mạnh. Kể từ cuối năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tiến hành bồi đắp 7 bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là đá Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Subi thành các đảo nhân tạo.

Đến năm 2017, giai đoạn 2 xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo để phục vụ mục đích quân sự và dân sự, bao gồm các đường băng dài hơn 3.000m, nhà để máy bay và tên lửa, các cơ sở radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo, kho chứa vũ khí và nhiên liệu, các cầu cảng nước sâu…, được bắt đầu. Giai đoạn 3 tiếp ngay sau đó và kết thúc bằng việc quân sự hóa các đảo nhân tạo này bằng máy bay chiến đấu J-11B, các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B, tên lửa đất đối không HQ-9B, các thiết bị phá sóng…

Cơ sở hạ tầng quân sự trên Biển Đông hoàn thành cũng là lúc Trung Quốc đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự trong vùng biển này, đặc biệt là trong thời gian gần đây, nhằm nâng cao năng lực tác chiến, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, đồng thời kiểm tra năng lực bảo đảm hậu cần trong trường hợp chiến tranh nổ ra.

Đối trọng với tham vọng của Trung Quốc là hoạt động ngăn chặn của Mỹ và các nước đồng minh. Cũng như người tiền nhiệm Donald Trump, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục duy trì sự can dự vào Biển Đông. Những cuộc tuần tra tự do hàng hải và tập trận ở Biển Đông liên tục được Mỹ tiến hành, kể cả trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.

Điểm mới đáng lưu ý là chính quyền của ông Joe Biden đẩy mạnh việc xây dựng lại các liên minh để đối phó Trung Quốc, dẫn tới sự gia tăng đáng kể mối quan tâm từ phía các đồng minh của Mỹ với Biển Đông. Sau khi điều tàu ngầm tấn công hạt nhân Émeraude và tàu hậu cần Seine tới vùng biển này hồi đầu tháng 3, Pháp lại đưa tiếp tàu đổ bộ Tonnerre và tàu khu trục Surcouf đi qua vùng biển này để tham gia cuộc tập trận hải quân chung quy mô đầu tiên với Mỹ, Anh, Australia và Nhật Bản vào tháng 5 tại châu Á - Thái Bình Dương.

Với Anh, vừa hạ thủy tàu sân bay HMS Queen Elizabeth lớn nhất từ trước tới nay, trị giá 3,1 tỷ bảng Anh (khoảng 3,9 tỷ USD), London cho biết HMS Queen Elizabeth mang theo 24 máy bay chiến đấu F-35B cùng các tàu hộ tống sẽ thực hiện chuyến đi xa đầu tiên tới Đông Á. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, lần điều động quan trọng nhất sắp tới của Hải quân Hoàng gia Anh thể hiện cam kết của Anh trong việc phối hợp với các đối tác trong khu vực nhằm duy trì trật tự dựa trên luật pháp và thúc đẩy an ninh, thịnh vượng chung.

Vốn rất cẩn trọng khi điều động các lực lượng quân sự, nhưng mới đây Đức thông báo sẽ cử một tàu khu trục đến châu Á trong tháng 8 năm nay. Trên hành trình trở về, nó sẽ trở thành tàu chiến Đức đầu tiên đi qua Biển Đông kể từ năm 2002. Các chuyên gia cho rằng quyết định này của Đức là một bước tiến quan trọng để Berlin triển khai định hướng chính sách về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mà nước này thông qua từ năm ngoái nhằm tăng cường sự hiện diện ở khu vực.

Cọ sát, đối đầu Mỹ - Trung ngày càng trực diện hơn

Điều đáng ngại là các hoạt động quân sự của Trung Quốc, Mỹ cùng các nước đồng minh trên Biển Đông thời gian gần đây không chỉ dừng ở khuếch trương sức mạnh, mà ngày càng mang dáng dấp của các hoạt động tác chiến thực thụ.

Trong cuộc tập trận bắn đạn thật cuối tháng 2 vừa rồi của Chiến khu Nam Bộ thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), các tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu đổ bộ và tàu tiếp tế đã kiểm nghiệm khả năng với các cuộc tấn công bằng tên lửa ở “vùng biển xa”. Tiếp đó, trong cuộc tập trận lớn kéo dài suốt cả tháng 3 này với sự tham gia của 2 tàu sân bay, Trung Quốc đã triển khai các khoa mục đổ bộ đánh chiếm đảo. Còn theo nhật báo The Financial Times (Anh), tháng 2 vừa rồi, máy bay ném bom H6 của Trung Quốc bay trên eo biển Đài Loan (Trung Quốc) đã tiến hành mô phỏng một cuộc tấn công vào hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt đang hoạt động cách đó hơn 400km ở vùng Biển Đông.

Việc Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh (chính thức có hiệu lực từ tháng 2-2021) cho phép lực lượng hải cảnh thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết”, trong đó có việc sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền của nước ngoài khi “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc” bị xâm phạm, cũng làm gia tăng nguy cơ xảy xung đột do “tính toán sai lầm” tại Biển Đông và Hoa Đông.

Với Mỹ, trong cuộc tập trận có tên gọi COMPTUEX hồi tháng 2 vừa rồi, ngoài nhóm tác chiến tàu sân bay, đáng chú ý có sự tham gia của đội đặc nhiệm SEAL và thủy quân lục chiến. Các chuyên gia quân sự cho biết nhiệm vụ của SEAL là cung cấp dữ liệu về mục tiêu, còn lính thủy đánh bộ ở các căn cứ tiền phương cung cấp lựa chọn tấn công khác bằng tên lửa nhằm bổ sung cho các vũ khí trên tàu chiến và máy bay thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Dwight D.Eisenhower. Cuộc tập trận nhằm tăng khả năng tấn công bằng tên lửa của Mỹ thông qua việc triển khai lực lượng đặc nhiệm để nhận diện và xác định vị trí các mục tiêu. Ngoài ra, nó còn giúp nâng cao khả năng sống sót của các tàu chiến vì chúng có thể phóng tên lửa ở một khoảng cách xa hơn.

Đây cũng là lần đầu tiên các biện pháp liên lạc của NATO được sử dụng để huấn luyện binh sĩ Mỹ. Cuộc tập trận được thiết kế để tăng cường liên kết của Mỹ với quân đội các nước đồng minh để các lực lượng có thể tiến hành chiến dịch ở nhiều khu vực. COMPTUEX vốn được thiết kế chủ yếu để đối phó Nga, nhưng cũng có thể được áp dụng cho các kịch bản tác chiến trên biển khác, trong đó có kịch bản liên quan đến Trung Quốc ở Biển Đông.

Hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc cùng những vụ thăm dò, cọ xát, đối đầu nhau ngày càng thường xuyên hơn, với quyết tâm ngày càng mạnh hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, đang làm vùng biển này “nóng” lên. Nếu không được kiểm soát, xung đột và chiến tranh cục bộ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Hơn lúc nào hết, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần phối hợp để có những hoạt động thiết thực bảo đảm tôn trọng trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.