Châu Âu “rối loạn” tinh thần

ANTĐ - Một nghiên cứu mới được công bố đang làm dư luận bất ngờ: Có tới 38% dân số châu Âu, tương đương 165 triệu người, mắc các chứng bệnh liên quan đến thần kinh như bệnh tâm thần, trầm cảm, mất ngủ, lo âu hoặc mất trí nhớ…

Một nghiên cứu mới được công bố đang làm dư luận bất ngờ: Có tới 38% dân số châu Âu, tương đương 165 triệu người, mắc các chứng bệnh liên quan đến thần kinh như bệnh tâm thần, trầm cảm, mất ngủ, lo âu hoặc mất trí nhớ…

Nếu xét về mức sống và điều kiện sống, không châu lục nào có thể sánh với châu Âu. Châu Âu hiện là trung tâm tài chính, thương mại số một thế giới. 710 triệu người sống trong 48 quốc gia tại châu lục này được hưởng những điều kiện về kinh tế, xã hội, văn hoá... vào loại bậc nhất thế giới. Ngay những người thuộc nhóm nghèo nhất ở châu Âu vẫn có mức sống cao hơn nhiều so với những người nghèo ở các lục địa khác.

Thế nhưng kết quả nghiên cứu của nhà khoa học lại kết luận rằng: “Rối loạn tinh thần đã trở thành vấn đề thách thức nhất đối với sức khỏe của người dân châu Âu thế kỷ 21”. Các chứng bệnh như trầm cảm, lo lắng, mất trí nhớ, tâm thần phân liệt, thậm chí nếu nặng quá có thể dẫn đến các rối loạn lớn như động kinh, bệnh đa xương cứng… đang hành hạ người dân châu lục này. Mỗi năm, các quốc gia châu Âu phải tiêu tốn hàng trăm tỷ đô la Mỹ cho các phúc lợi kinh tế xã hội liên quan đến các căn bệnh trên.

Hóa ra trên nền thịnh vượng và sáng tác, châu Âu vẫn tiềm ẩn nhiều căn bệnh khiến người ta phải giật mình. Sức ép nhịp sống công nghiệp cùng cuộc sống ảo trên mạng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề. Trong những căn phòng khép kín và đầy đủ tiện nghi, nhiều thanh niên mất dần nhu cầu giao tiếp và đối thoại, thậm chí ngay cả đối với những người hàng xóm xung quanh mình. Kiểu sống ảo biệt lập đã gây ra nhiều căn bệnh về thần kinh.

Xu hướng chạy theo nhu cầu cuộc sống cũng làm người dân châu Âu mệt mỏi. Cuộc sống bấp bênh bởi lúc nào cũng lo bị thất nghiệp, tệ phân biệt chủng tộc, căng thẳng về xã hội, sức ép do khủng hoảng kinh tế, sự suy thoái nền tảng gia đình hay những hành động bạo lực... đang tạo gánh nặng tâm lý vượt quá sức chịu đựng của người dân. 77 người thiệt mạng trong vụ thảm sát ở Na Uy, 6 người bị giết trên đảo Jeysey, cuộc bạo loạn đang làm náo động nước Anh và trước đó là nạn bạo động làm rung chuyển nước Pháp trong nhiều tháng chính là những tiếng chuông cảnh tỉnh về sự bất an đối với người dân châu Âu.

Cách đây vài năm, một cuộc thăm dò dư luận về mức độ thỏa mãn của mọi người cho thấy, rất nhiều người dân sống tại các nước giàu nhất thế giới không hài lòng với cuộc sống của họ. Một trong những phát hiện qua cuộc thăm dò là khi thu nhập bình quân vượt quá mức 15 nghìn USD, số của cải kiếm thêm này không có nghĩa là người ta sẽ cảm thấy sung sướng và hạnh phúc hơn. Chẳng hạn tại Anh, mức độ hạnh phúc, hay thỏa mãn, vẫn giữ nguyên kể từ thập niên 1950, cho dù nước Anh hiện đã giàu gấp ba lần so với thời điểm đó. 81% dân chúng Anh cho rằng chính phủ nên tập trung làm sao giúp người dân cảm thấy hạnh phúc hơn.

Trong một thời gian dài châu Âu chỉ thấy những sai lầm, ảo tưởng và lạc hậu trong những nền văn hóa khác, cũng như chỉ quen phán xét các nền văn hóa khác qua những thành tích khoa học công nghệ, giờ đây đang phải đối mặt với những hỗn loạn bất ổn và tan rã trong lòng xã hội. Bài toán duy trì sự hài hòa trong phát triển đâu phải chỉ của nước nghèo.