Châu Âu đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 9 đến 15-12 cho thấy, các nước châu Âu đều bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

Đây là chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến châu Âu dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU và thăm chính thức Đại công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ. Việt Nam và EU có mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện. Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA) được ký kết ngày 27-6-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-10-2016 với các cam kết mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Đây là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU nhằm củng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện và bền vững. Đây cũng là hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên mà EU ký kết với một nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết. Những thuận lợi trên đã giúp cho mối quan hệ Việt Nam - EU có những bước tiến tích cực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 52 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021. Về đầu tư, EU đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU, ngày 13-12-2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU, ngày 13-12-2022

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các nước châu Âu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính có dịp gặp gỡ trong chuyến công tác lần này đều có những đánh giá tích cực về Việt Nam. Trong chuyến thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ, lãnh đạo cấp cao các nước này đều bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất, nhiều tiềm năng nhất trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, các nước trên đều khẳng định mong muốn cùng Việt Nam đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch, xử lý hiệu quả các vấn đề quốc tế và cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu. Các nước cũng ủng hộ việc triển khai đầy đủ, hiệu quả EVFTA, đồng thời bày tỏ mong muốn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVPIA) sớm được phê chuẩn để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới, công nghệ cao, chiến lược.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có nhiều cuộc gặp với lãnh đạo các nước EU bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN - EU. Trong cuộc gặp với Thủ tướng CH Czech Petr Fiala, ông Petr Fiala nhấn mạnh trong lịch sử quan hệ của Czech với châu Á, không có quốc gia nào Czech có quan hệ khăng khít như với Việt Nam. Thủ tướng Czech đề nghị hai nước tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, triển khai hiệu quả EVFTA.

Những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và EU cũng được đánh giá cao. Đại sứ Igor Driesmans, Trưởng phái đoàn EU tại ASEAN, nhấn mạnh Việt Nam không chỉ là một đối tác song phương lớn, mà còn là đối tác quan trọng của EU trong hợp tác với ASEAN. Trang điện tử La Città Futura của Italia, trong bài viết với tiêu đề “Việt Nam, cầu nối quan trọng cho hợp tác chiến lược giữa EU với ASEAN”, khẳng định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đang được xem là hình mẫu để EU tiếp tục mở rộng triển khai với toàn bộ khu vực ASEAN.

Mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam

Trên cơ sở đánh giá cao vị thế quốc tế của Việt Nam, các nước châu Âu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm hoặc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao đều mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam. Với Luxembourg, đó là việc kết nối tiếp cận nguồn vốn đầu tư và tài chính với điều kiện ưu đãi, nhất là tài chính xanh, thông qua việc sớm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về tài chính xanh. Với Hà Lan và Bỉ là đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, thành lập các trung tâm công nghệ cao theo mô hình ba bên (chính phủ, viện nghiên cứu, doanh nghiệp) như Trung tâm đổi mới sáng tạo Brainport của Hà Lan.

Các nước trên cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế như khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, ASEM, Liên hợp quốc, nhất là khi Việt Nam và cả 3 nước Luxembourg, Bỉ, Hà Lan đều là thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ để đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới. Về Biển Đông, lãnh đạo các nước trên khẳng định ủng hộ việc đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; ủng hộ tiến trình đàm phán COC công bằng, thực chất, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa, phía Bồ Đào Nha cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để EU gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện để hoa quả theo mùa và thủy sản của Việt Nam có mặt nhiều hơn ở thị trường EU và Bồ Đào Nha. Ông António Costa đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, tài chính điện tử, triển khai các dự án đầu tư xanh tại Việt Nam. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo, hợp tác khoa học, quốc phòng trong thời gian tới, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và đưa quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Bồ Đào Nha đi vào chiều sâu, thiết thực.

Coi trọng quan hệ với Việt Nam, Thủ tướng Hy Lạp Kyriákos Mitsotákis đề xuất hai nước tăng cường hợp tác về năng lượng cơ sở hạ tầng, vận tải đường biển, đóng tàu, du lịch; cam kết Hy Lạp sẽ tạo điều kiện để sản phẩm nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Hy Lạp; mong muốn và sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt Nam đến Hy Lạp làm việc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực khác.

Tại cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Litva Gitanas Nauseda, phía Litva đề nghị hai nước sớm ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực phát triển chính phủ điện tử, an ninh mạng, xây dựng chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thô phục vụ chế tạo sắt thép, thực phẩm.

Chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công, giúp gia tăng sự tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác với nhiều đối tác châu Âu theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phục vụ các lợi ích an ninh - phát triển và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.