Châu Á - Thái Bình Dương là trọng tâm

ANTĐ - Dù tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chọn châu Âu là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức, song chính quyền Mỹ vẫn khẳng định theo đuổi chính sách chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái bình Dương đã thực thi trong thời gian qua.

Chính quyền Tổng thống Obama đang chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell ngày 4-3 tuyên bố, chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn tiếp tục chính sách chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông     Ventrell tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của chính quyền Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cho biết chính sách này bắt nguồn từ những lợi ích lâu dài của Washington và nhấn mạnh sẽ “không thay đổi”. 

Phát biểu của Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khiến dư luận khá quan tâm bởi được đưa ra ngay sau chuyến thăm tới châu Âu và Trung Quốc, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Ngoại trưởng Kerry. Trong khi đó, quy luật bất thành văn, việc Ngoại trưởng Mỹ chọn địa điểm tới thăm đầu tiên sau khi nhậm chức có thể xem như đó sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại sắp tới của Washington.

Trước đây 4 năm, Ngoại trưởng Hillary Clinton sau khi lấy châu Á-Thái Bình Dương là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức đã công bố điều chỉnh chính sách đối ngoại chuyển trọng tâm sang khu vực Thái Bình Dương. Bởi thế, việc ông Kerry tới châu Âu và Trung Đông đầu tiên sau khi giữ vai trò “cầm trịch” quan trọng chính sách đối ngoại của Mỹ đã được không ít người cho rằng Washington lại sẽ có điều chỉnh chính sách đối ngoại.

Từ phát biểu của Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như xét kỹ lại những gì mà chính quyền Tổng thống Obama đã triển khai trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên 2008-2012, có thể thấy châu Á-Thái Bình Dương vẫn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Washington. Việc tân Ngoại trưởng Kerry công du châu Âu và Trung Đông đầu tiên sau khi nhậm chức chỉ là để giải quyết những vấn đề đối ngoại cấp bách của nước Mỹ mà thôi.

Đích thân Tổng thống Obama cũng chọn châu Á-Thái Bình Dương để thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 2. Việc Washington đặt trọng tâm đối ngoại ở khu vực này xuất phát từ chính lợi ích chiến lược lâu dài của nước Mỹ.

Không chỉ khẳng định vai trò đầu tầu kinh tế thế giới với việc gần 58% GDP và hơn 50% xuất khẩu của toàn cầu, châu Á-Thái Bình Dương còn có những cường quốc lớn nhất, cả đối tác và đối thủ của Mỹ như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ, đồng thời ẩn chứa những thách thức lớn với vị thế cường quốc số một thế giới của Mỹ. Thực hiện chuyển dịch trọng tâm chiến lược, hải quân Mỹ đang dần di chuyển lực lượng để đến năm 2020, binh lực của Mỹ tại Thái Bình Dương so với Đại Tây Dương sẽ từ thế ngang bằng 50%-50% hiện nay nghiêng thành 60%-40%.

Khi chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương, ông Ventrell cho biết Mỹ sẽ can dự sâu hơn vào khu vực này nhằm nắm bắt những cơ hội vì một tương lai thịnh vượng và vững chắc hơn như Tổng thống Obama từng cam kết. Người đứng đầu Nhà trắng từng khẳng định rằng ông muốn trở thành “Tổng thống Thái Bình Dương” của nước Mỹ.