Chặn hủy, sửa lệnh - thiệt hại nhà đầu tư, ai chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sàn nhận lệnh chậm, lệnh đặt thành công thì giá cổ phiếu đã tăng hoặc giảm một quãng xa dẫn đến không thể khớp lệnh. Trong khi các công ty chứng khoán lại không cho phép hủy/sửa lệnh khiến tiền nhà đầu tư bị treo cả ngày không giao dịch được.

Nhà đầu tư bức xúc

Anh Nguyễn Đức Anh - một nhà đầu tư cho biết, trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu, anh đặt lệnh giao dịch ngay đầu giờ sáng.

Tuy nhiên, mã cổ phiếu mà anh chọn mua lại nhanh chóng tăng giá khiến lệnh của anh không thể khớp, muốn hủy lệnh để đặt giá mới thì không được.

“Vậy là số tiền hơn 100 triệu đồng của tôi bị “treo” trên sàn suốt 1 ngày không giao dịch được, trong khi thị trường đang rất sôi động” – anh Đức Anh bức xúc.

Cùng tâm trạng, chị Ngô Hà Phương lại gặp cảnh trớ trêu khi vừa khớp lệnh đã lỗ tiền triệu. Chị Phương cho biết, đầu giờ chiều khi thấy giá cổ phiếu mình quan tâm điều chỉnh, chị liền đặt lệnh chờ ở bước giá thấp hơn giá đang khớp. Thế nhưng, phải đến hơn 10 phút sau lệnh của chị mới được gửi lên sàn và ngay lập tức thấy thông báo đã khớp.

Nhìn lại bảng giá và tài khoản thì giá cổ phiếu này đã tiếp tục giảm xuống và tài khoản của chị đã âm gần 5 triệu.

“Nếu sàn nhận lệnh ngay và được hủy lệnh thì có thể thể tôi đã đặt được lệnh với mức giá mới khi thấy giá có chiều hướng tiếp tục điều chỉnh” - chị Phương nói.

Trước đó, kể từ phiên giao dịch ngày 2/6, lần đầu tiên, các công ty chứng khoán đã tạm dừng tính năng sửa/hủy lệnh của khách hàng khi giao dịch trên sàn HOSE để giảm tải cho hệ thống. Điều này khiến mỗi quyết định đặt lệnh của khách hàng trên sàn này sẽ thành “mũi tên bắn đi”, không thể thu hồi.

Đây là hệ quả của sự quá tải trên HOSE tái diễn trong khoảng 1 tuần trở lại đây.

Trước đó, ngày 1/6, HOSE đã bất đắc dĩ phải ngừng giao dịch phiên chiều do nguy cơ mất an toàn hệ thống khi thanh khoản lên quá cao. Việc hạn chế về năng lực giao dịch của HOSE trong khi thị trường tăng trưởng đột biến về lượng thanh khoản thời gian qua đã phần nào làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), kể từ tháng 5, thị trường cổ phiếu đã có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt mức cao kỷ lục về cả chỉ số, quy mô và thanh khoản.

Theo đó, tính đến hết tháng 5, VN-Index đã tăng 7,2% so với cuối tháng trước và tăng 20,3% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 12,8% so với cuối tháng trước và tăng 56,5% so với cuối năm 2020.

Hệ thống giao dịch của HOSE đã quá tải trong một thời gian dài (Ảnh minh họa)

Hệ thống giao dịch của HOSE đã quá tải trong một thời gian dài (Ảnh minh họa)

Về quy mô giao dịch, trong tháng 5/2021, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.178 tỷ đồng/phiên, tăng 16% so với tháng trước; vốn hóa thị trường thị trường đạt 6.440 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm 2020, tương đương 102,3% GDP.

Còn thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, lượng tài khoản chứng khoán mở mới của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân liên tục tăng cao kể từ đầu năm đã đưa tổng lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 3,2 triệu tài khoản.

Đây có thể nói là mức tăng đột biến, nhưng không phải không có dự liệu trước.

Vì theo Đề án Cơ cấu lại Thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm giai đoạn 2020 – 2025 cũng đã đưa ra mục tiêu số lượng tài khoản chứng khoán đạt 3% dân số vào năm 2020, tức là vào khoảng 3 triệu tài khoản.

Mục tiêu là như vậy nhưng hạ tầng công nghệ lại chưa được nâng cấp tương xứng, nên việc xảy ra tình trạng quá tải, nguy cơ mất an toàn hệ thống là dễ hiểu.

Trước tình trạng quá tải hệ thống dẫn đến thiệt hại, bức xúc cho nhà đầu tư, mới đây, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE đã lên tiếng mong muốn “nhận được sự cảm thông, bình tĩnh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường”.

Lý giải về việc chậm triển khai nâng cấp lên hệ thống KRX, lãnh đạo UBCKNN và HOSE cho rằng do dịch Covid-19 liên tiếp bùng phát khiến việc đưa các chuyên gia nước ngoài khó khăn.

Về việc phối hợp với FPT triển khai hệ thống giao dịch dự phòng song song với hệ thống công nghệ thông tin mới KRX, ông Lê Hải Trà cho hay, mọi công đoạn xây dựng hệ thống đang được triển khai theo đúng lộ trình đề ra và chưa xuất hiện khó khăn gì lớn, hiện các bước đang vào những khâu cuối cùng, dự kiến FPT có thể bàn giao hệ thống cho HOSE vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới.

Trong lúc này, nhà đầu tư chỉ biết tin vào lời hứa của lãnh đạo HOSE, dù rằng nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì đến cuối tháng 6 đã là gây quá nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư.

Bởi giao dịch trên thị trường chứng khoán không phải tính theo ngày, theo tháng mà tính theo giây, theo phút.

Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này khi nhà đầu tư giao dịch đóng đầy đủ các loại phí nhưng nhận lại chất lượng phục vụ không tương xứng?