Câu hỏi khó về tương lai đồng tiền "ảo" bitcoin

ANTD.VN - Bất chấp sự chỉ trích, thậm chí cả bị ngăn chặn, đồng tiền “ảo” bitcoin đã vượt mốc 7.000USD/bitcoin. Câu hỏi về tương lai của bitcoin cũng như nhìn nhận đồng tiền này thế nào lại khiến các nhà kinh tế đau đầu. 

Câu hỏi khó về tương lai đồng tiền "ảo" bitcoin ảnh 1Giá trị đồng tiến “ảo” bitcoin liên tục tăng giá theo thời gian

Hôm 2-11, giá trị đồng bitcoin đạt mức cao kỷ lục 7.066USD/bitcoin trên sàn giao dịch Bitstamp ở Luxembourg khiến người ta bất ngờ. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009,  bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Đây là sản phẩm của một nhóm nhà phát triển bí ẩn mang biệt hiệu Satoshi Nakamoto.

Với giá trị lúc đầu chỉ đáng giá vài xu Mỹ, lại mang những đặc tính khá kỳ lạ so với các loại tiền thông thường là ẩn danh và có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần một tổ chức tài chính trung gian nào, ấy thế mà tầm ảnh hưởng của bitcoin cứ ngày một vươn rộng và nhận được sự chấp nhận rộng rãi. Ngày nay, bitcoin có thể được dùng trong trao đổi hàng hóa và dịch vụ hoặc trao đổi các loại tiền tệ khác, với điều kiện bên còn lại sẵn sàng chấp nhận giao dịch loại tiền này.

Không những thế, giá của bitcoin liên tục tăng theo thời gian, đặc biệt là trong năm 2017. Từ mức khoảng 1.000 USD/bitcoin vào đầu năm 2017, sau 7 lần tăng liên tục, bitcoin đã lập mức kỷ lục hơn 7.000USD/bitcoin. Theo số liệu của CME Group - chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại Chicago, quy mô thị trường tiền điện tử đã tăng lên mức 172 tỷ USD, trong đó riêng bitcoin chiếm 54% thị phần.

Vậy điều gì đã giúp bitcoin, đồng tiền từng bị ông J. Dimon, Giám đốc Điều hành JPMorgan - một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới phê phán “cay độc”, lại bị cường quốc kinh tế Trung Quốc ban hành lệnh cấm, vẫn tăng nhanh giá trị như vậy?

Nhiều nhà kinh tế cho rằng căng thẳng chính trị và kinh tế là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người chuyển tài sản sang bitcoin. Đây chính là thực tế đang xảy ra ở các quốc gia như 

Zimbabwe và Venezuela. Trong tình cảnh nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng nặng nề, với mức lạm phát hàng nghìn %, người dân lo ngại về một sự sụp đổ và đành đánh cược vào bitcoin như phương tiện bảo quản tài sản cho mình.

Còn hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ với Triều Tiên và Iran có thể khiến tổng thể nền kinh tế thế giới thiệt hại 1% về tổng giá trị. Một khi những yếu tố bất ổn này tiếp tục leo thang thì xu hướng tăng trưởng của các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin sẽ mở rộng hơn nữa. Đây chính là lý do khiến bitcoin lại được kỳ vọng như là một loại tài sản an toàn vì nằm ngoài những căng thẳng chính trị đang tác động không tốt lên nền kinh tế toàn cầu.

Một nguyên nhân trực tiếp khác giúp bitcoin tăng giá là quyết định của CME Group - chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại Chicago lần đầu tiên cho phép tiến hành các giao dịch kỳ hạn đối với bitcoin. Động thái này của CME Group thể hiện lòng tin vào đồng tiền “ảo” vốn gây nhiều tranh cãi và điều này đã giúp bitcoin lấy được sự tin cậy của khách hàng.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bitcoin về cơ bản chưa được đưa vào giao dịch ở các ngân hàng lớn trên thế giới. Vẫn có nhiều thông tin cho rằng bitcoin là một công cụ kinh doanh bất hợp pháp. Giá trị tăng chưa giúp bitcoin xóa được tính chất “ảo” của mình trong con mắt người dân.