Câu hỏi khó cho người thắng cử Tổng thống Pháp

ANTD.VN - Khi cái đích đã ngay trước mặt, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vẫn đầy gay cấn. Nhưng dù bà Le Pen của đảng Mặt trận Dân tộc (FN) hay ông Macron của đảng Tiến bước ngồi vào chiếc ghế quyền lực trong Điện Elysee, thì nước Pháp cũng phải tìm cho mình con đường mới để phát triển. 

Câu hỏi khó cho người thắng cử Tổng thống Pháp ảnh 1Trên đường phố tràn ngập hình ảnh ông Macron và bà Le Pen - hai ứng cử viên trong vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp

Lâu nay, nước Pháp được ví như “Trung tâm kinh tế - văn hóa” của châu Âu, “Cái nôi văn hóa của châu Âu”. Cả thế giới đã chứng kiến tài năng thiết kế của người Pháp khi chế tạo ra tàu cao tốc, thiết bị điện phức tạp, tên lửa, vệ tinh viễn thông, máy bay (như các loại máy bay Airbus, siêu thanh Concorde, Caravelle, Mystère, Mirage), hay các sản phẩm ô tô nổi tiếng của các công ty có tên tuổi như Renault và PSA Peugeot Citroën.

Nước Pháp cũng thường được nhắc đến với các sản phẩm tiêu dùng nổi tiếng thế giới như nước hoa Chanel, rượu vang Bordeaux, săm lốp Michelin, đồ sứ Limoges, đồ làm bếp Moulinex… Các sản phẩm chính của ngành nông nghiệp Pháp như lúa mì, ngũ cốc, củ cải đường, khoai tây, rượu nho, thịt bò, sản phẩm từ sữa, cá luôn được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. 

Ngành dịch vụ còn nổi tiếng hơn khi mang lại 79,8% thu nhập cho nước Pháp. Pháp được xếp hạng là điểm đến hàng đầu thế giới, có tới 84,7 triệu du khách nước ngoài đã tìm đến nước Pháp trong năm 2013, vượt trội hơn hẳn so với nước có số lượng người đến du lịch đứng thứ hai là Mỹ (69,8 triệu lượt khách) và Tây Ban Nha (60,7 triệu lượt khách). Khả năng thu hút du khách này nhờ có các thành phố với nhiều di sản văn hoá, các bãi biển và các khu nghỉ dưỡng ven biển, các khu trượt tuyết, các vùng nông thôn đẹp và yên bình.

 Song giờ đây nước Pháp lại như đang thiếu sinh khí. Nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Âu đã trải qua nhiều năm ảm đạm. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Pháp chỉ tăng trưởng 1,4% trong năm 2017, một trong những mức tăng yếu nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Pháp cũng gặp khó khăn trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp - hiện đang ở gần mức 10%. Con số này còn cao hơn cả mức trung bình của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp ở Đức và Anh.

Nước Pháp phải thay đổi là điều mà cử tri đòi hỏi. Người dân đã chán ngán cái cũ và đòi hỏi cái mới. Đó chính là lý do khiến đại diện của hai chính đảng từng thống trị nền chính trị Pháp từ năm 1958 cho đến nay là đảng Cộng hòa và đảng Xã hội đã không thể lọt vào vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống. Lần đầu tiên trong lịch sử, bước vào Điện Elysee sẽ là “những kẻ ngoại lai” bởi đảng Mặt trận Dân tộc (FN) của bà Le Pen và đảng Tiến bước mới được thành lập hồi cuối năm ngoái của ông Macron chưa bao giờ nắm quyền lực.

Nhìn vào chiến lược tranh cử, con đường đi mà ông Macron vẽ ra cho nước Pháp hoàn toàn đối lập với đối thủ Le Pen. Thuộc nhóm ứng cử viên trung dung, ông Macron ủng hộ việc nước Pháp hợp tác tốt hơn với EU, cải tổ tài chính nhà nước, cắt giảm phúc lợi xã hội, duy trì quyền tự chủ của ngân hàng trung ương và đẩy mạnh việc bãi bỏ quy định về thị trường lao động.

Trong khi đó, trọng tâm quan điểm chính trị của bà Le Pen lại xoay quanh quốc gia, đi tìm lối thoát ở sức mạnh nội sinh, đóng cửa với bên ngoài. Cụ thể, bà ủng hộ mạnh mẽ việc bảo vệ biên giới, bảo hộ thương mại, sự trở lại của đồng Franc. Đồng thời, bà Le Pen cũng muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Pháp, ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Nga và mở rộng nền kinh tế - xã hội.

Nhưng dù là khuynh hướng “mở cửa” của ông Macron hay “đóng cửa” của bà Le Pen thì nước Pháp vẫn phải tìm cho mình con đường đi mới nếu như không muốn tụt lại đằng sau trong cuộc đua toàn cầu. Kết quả bầu cử tổng thống vòng 2 dù thế nào cũng chỉ là bước đi của nước Pháp trên con đường đầy khó khăn tới tham vọng: “Tiếng Pháp, lịch sử Pháp và nền văn minh Pháp tỏa sáng trên Trái đất”.