- Oanh tạc cơ Nga gây thiệt hại nặng nề cho IS ở Raqqa và Aleppo
- Ai tiêu thụ dầu lậu cho IS?
- Nhà báo ném giày vào cựu Tổng thống Bush tố cáo Mỹ cung cấp vũ khí cho IS
Annamaria Fontana (62 tuổi, một cựu ủy viên hội đồng địa phương) và chồng là Mario di Leva (68 tuổi, hay còn gọi là Jaafar), đã cải sang đạo Hồi hơn chục năm nay. Họ cùng với con trai Luca di Leva đã bị bắt hồi đầu tháng 2-2017 do buôn bán vũ khí và máy bay trực thăng cho Iran và IS ở Libya. Liên quan đến vụ việc, Andrea Pardi, người điều hành một công ty sản xuất máy bay trực thăng cũng bị bắt. Bên cạnh đó, đối tượng Ali Mohamud Shaswish người Libya có liên quan đang bị truy nã.
“Đầu nậu” vũ khí ở Naples
Vợ chồng Fontana và Di Leva trước đây đã bị nghi có liên quan đến một số tổ chức tội phạm khét tiếng như Camorra. Khi cặp đôi này bị bắt giữ, các cơ quan chức năng đã mở đồng thời 10 cuộc đột kích tại Rome, Naples, L'Aquila, Salerno và thu được những bằng chứng có giá trị.
Ông Catello Maresca, người đứng đầu cơ quan chống mafia và chống khủng bố Naples cho biết, họ đã phát hiện một lượng vũ khí lớn liên quan đến đường dây buôn lậu của 4 người Italia và Libya này, trong đó có gần 14.000 khẩu súng trường bán tự động M14, một xe cứu thương quân sự đã được chuyển đổi sang mục đích tấn công, trực thăng chiến đấu M17 thời Liên Xô và ít nhất 3 trực thăng chiến đấu A129 Mongoose của Italia. Mặc dù một số vũ khí chưa rời cảng nhưng các bị cáo vẫn bị cáo buộc tội buôn bán hàng cấm.
Bên cạnh đó, cặp vợ chồng người Italia và đối tượng ở Libya bị cáo buộc riêng về buôn lậu vũ khí cho IS, trong đó có một bộ tên lửa chống tăng và tên lửa đất đối không. Ngoài ra, cặp đôi đó còn có hành vi xuất khẩu phụ tùng máy bay trực thăng cho Iran trị giá 1,08 triệu USD từ năm 2011 đến năm 2015, bất chấp lệnh cấm vận của Liên hợp quốc.
Các nhà điều tra cho biết, họ cũng ghi lại được một số cuộc điện thoại liên quan đến đàm phán cung cấp cho Iran các vật liệu cần thiết để sản xuất đạn dược. Hồ sơ mà cảnh sát thu thập được có thông tin về vài chuyến đi của cặp đôi này tới Iran, trong đó có một số bức ảnh họ bắt tay cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.
Mối lo mafia tiếp tay cho khủng bố
Theo cơ quan điều tra, thông tin đầu tiên về hoạt động phạm tội của vợ chồng Fontana và Di Leva có từ năm 2011 khi họ điều tra một người đàn ông Somalia đang tìm mua vũ khí từ băng Camorra để huấn luyện quân nổi dậy ở Somalia. Mối nghi ngờ tăng cao liên quan đến vụ 4 người Italia làm việc trong lĩnh vực dầu khí bị IS ở Libya bắt cóc hôm 22-7-2015.
Cảnh sát điều tra cho hay, 4 ngày sau khi xảy ra vụ việc, Di Leva gửi một tin nhắn cho vợ qua WhatsApp: “Họ đã bắt cóc 4 người Italia tại Libya” và người vợ trả lời: “Tin cũ rồi. Tôi đã liên lạc. Họ bắt cóc ở nơi mà chúng ta đã tới. Tôi sẽ thực hiện mọi thứ bình tĩnh và thận trọng”. Trong một cuộc giao tranh hồi tháng 3-2016, chỉ 2 trong số 4 con tin sống sót trở về. Các nhà điều tra đang làm rõ liệu Di Leva và Fontana có nắm được thông tin về vụ bắt cóc hay không.
Vụ bắt giữ nói trên được thực hiện khi nhà chức trách ở Italia và cả châu Âu ngày càng lo ngại rằng, các tổ chức tội phạm sẽ cấu kết với khủng bố để tấn công. Những lo lắng này gia tăng khi cảnh sát phát hiện ra Anis Amri, công dân Tunisia gây ra vụ tấn công bằng xe tải nhằm vào khu chợ Giáng sinh ở Berlin làm 12 người thiệt mạng đã từng có thời gian tham gia băng nhóm Camorra ở Naples.
Các nhà điều tra Italia cho biết, họ sẽ tiếp tục sờ gáy một số đối tượng khác thuộc băng đảng Camorra có biểu hiện kết hợp buôn bán vũ khí với ma túy. Riêng phiên tòa xử nhóm Di Leva và Fontana có thể diễn ra vào cuối năm nay.