"Cặp bài trùng" tên lửa - hạt nhân

ANTD.VN - Khi Hàn Quốc và Mỹ vừa bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn với sự tham gia của 75.000 binh sĩ hai nước thì CHDCND Triều Tiên liền “đáp trả” bằng một vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.

"Cặp bài trùng" tên lửa - hạt nhân ảnh 1Những hình ảnh về vụ phóng tên lửa hạt nhân từ tàu ngầm của Triều Tiên do hãng tin KCNA công bố

Cả Lầu Năm góc và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 24-8 cùng xác nhận, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) vào lúc 5h30 sáng 24-8. Quả tên lửa tầm xa, được xác định ban đầu là mẫu tên lửa đạn đạo KN-11, được phóng lên từ tàu ngầm ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Nam Hamgyong, bay được khoảng 500km rồi rơi xuống biển Nhật Bản. 

Thông tin về vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên được xác nhận đã làm căng thẳng thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên vốn đã nóng lên sau khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” với sự tham gia của 75.000 binh sĩ hai nước, trong đó có 50.000 lính Hàn Quốc và 25.000 lính Mỹ, cùng hàng trăm máy bay, tàu chiến và xe tăng. CHDCND Triều Tiên trước đó đã tuyên bố cuộc tập trận này là một hành động khiêu khích và đe dọa sẽ “tấn công hạt nhân phủ đầu”.

Vụ phóng tên lửa SLBM của Triều Tiên, nhìn trực diện được xem như là hành động đáp trả cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, song xét về khía cạnh quân sự, có thể thấy việc Triều Tiên đang đẩy mạnh phát triển chương trình tên lửa đi đôi với chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011 tới nay, Triều Tiên đã 30 lần thử tên lửa đạn đạo, trong đó có tên lửa đạn đạo Taepodong-2 về lý thuyết có thể bắn tới căn cứ Mỹ ở quần đảo Guam và khu vực Alaska, lãnh thổ phía Tây của Mỹ.

Tuy nhiên,  tất cả các vụ phóng thử tên lửa mang vệ tinh như tuyên bố của Triều Tiên, trong khi Mỹ và các nước đồng minh cho rằng thực chất là vụ thử tên lửa đạn đạo, đều không được như mong muốn. Dù vậy, các vụ phóng tên lửa đó đều giúp Triều Tiên có thể hoàn thiện hơn chương trình tên lửa.

Vụ phóng tên lửa SLBM mới nhất minh chứng cho bước tiến của Triều Tiên trong việc phát triển chương trình tên lửa. Nên biết, đây là lần thứ ba từ đầu năm tới nay, Triều Tiên tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân từ tàu ngầm.

Cùng với sự phát triển công nghệ tên lửa, Triều Tiên cũng đang đẩy nhanh chương trình phát triển hạt nhân gây tranh cãi bởi Mỹ và các đồng minh đều cho đó là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Vụ thử bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H) gây chấn động cả thế giới hồi đầu tháng 1-2016 tiếp sau hàng loạt vụ thử hạt nhân trước đó cho thấy rõ tiến triển đáng chú ý của chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Sức mạnh răn đe của Triều Tiên đang gia tăng đáng kể với “cặp bài trùng” hai chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân, song dưới góc nhìn của các quốc gia liên quan ở khu vực Đông Bắc Á, điều này cũng dẫn tới những nguy cơ bất ổn lớn. Do vậy, các Ngoại trưởng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tham dự cuộc gặp 3 bên ngày 24-8 tại Tokyo đã tuyên bố không tha thứ cho hành động phóng tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động khiêu khích.