Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng vừa thông xe đã bị "dọa" chặn

ANTD.VN - Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đã cảnh báo Bộ GTVT và chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi về việc nếu không xử lý dứt điểm các tồn tại vướng mắc thì nhiều khả năng sẽ  xảy ra tình trạng người dân lên cao tốc chặn xe.

UBND Quảng Ngãi vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC-chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi) phối hợp với Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (đơn vị được tỉnh giao làm cầu nối) giải quyết các tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án đường cao tốc.

“UBND tỉnh Quảng Ngãi không chịu trách nhiệm đối với trường hợp người dân cản trở giao thông trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi liên quan đến việc chậm phối hợp giải quyết của VEC”- lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cảnh báo.

Ông Đỗ Vũ Bảo - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dự công trình giao thông Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo Ban đề nghị VEC giải quyết để trả lời cử tri trong kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.

Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vừa thông xe vào ngày 2-9 vừa qua nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, khúc mắc

Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, Ban đã gửi ít nhất 3 công văn đến VEC song không được phản hồi, dù đã cảnh báo trường hợp người dân bức xúc chặn đường, gây mất an toàn giao thông.

Đặc biệt, sau khi cao tốc thông xe dịp 2/9 vừa qua, chủ đầu tư không phối hợp với Ban. Do không có hồi âm nên Ban QLDA giao thông tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo lên UBND tỉnh này và có văn bản gửi Bộ GTVT.

Theo đó phản ánh của địa phương, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua tỉnh Quảng Ngãi 40 km. Địa phương làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, còn lại do VEC tổ chức thi công.

Theo lãnh đạo Ban QLDA giao thông của tỉnh, quá trình thi công, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Hàng trăm nhà dân bị nứt. Thứ hai là ruộng ngập úng không canh tác được. Thứ ba là đường dân sinh gần đường cao tốc, hiện người dân không đi lại được hoặc đi lại khó khăn.

Về việc nhà dân bị nứt, theo báo của huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đơn vị bảo hiểm đã kiểm tra và bồi thường cho hơn 200 hộ. Nhưng hiện địa phương vẫn tiếp tục nhận đơn kiến nghị, phản ánh của gần 200 hộ.

Tại huyện Bình Sơn, hơn 4,5 ha ruộng bị cô lập; không có nước tưới; ngập úng, nhiễm phèn; sa bồi, thủy phá. Người dân đề nghị thu hồi, bồi thường.

Việc xây dựng đường cao tốc đã làm nhiều khu vực không có đường đi, đường vận chuyển nông lâm sản. VEC đã đầu tư một số tuyến nhưng chưa giải quyết hết các vị trí thiết yếu. Hiện nay, UBND các huyện kiến nghị đầu tư khoảng 7.500 m đường gom, đường dân sinh hai bên tuyến cao tốc nhưng VEC chưa có ý kiến phản hồi.

Các tuyến đường phục vụ thi công dự án bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân. Song đến nay, nhiều tuyến chưa được trả cho địa phương.

Do những vướng mắc này chưa được xử lý triệt để, thỏa đáng, nên Ban QLDA giao thông tỉnh này cũng cảnh báo về tình trạng, nhiều khả năng người dân sẽ lên cao tốc để chặn xe như đã từng xảy ra ở một số tuyến cao tốc khác.

Sẽ làm việc với tỉnh để xử lý dứt điểm tồn tại

Đáp lại tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc QLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết, trước thời điểm thông xe, chủ đầu tư dự án đã bồi thường cho 1.200 hộ dân có nhà ở bị hư hỏng do quá trình thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sau đó, đơn vị này tiếp tục nhận được danh sách đề nghị kiểm đếm, bồi thường cho 179 trường hợp khác.

Qua kiểm tra, chỉ có 12/179 trường hợp đủ điều kiện bồi thường, những trường hợp còn lại nằm trong phạm vi giải tỏa bàn giao đất hoặc nằm ngoài phạm vi bị ảnh hưởng nên không thể đền bù.

Tại huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn hiện có 24 hạng mục đường gom đã được chủ đầu tư triển khai thi công. Tuy nhiên có 9 hạng mục chưa thể thi công do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, số còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 10-2018.

Theo đại diện VEC, giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của tỉnh Quảng Ngãi.

Liên quan đến 9,3 ha đất sản xuất của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, ông Thành cho rằng tỉnh Quảng Ngãi chưa có báo cáo chính thức về vấn đề này để phối hợp kiểm tra, đưa ra phương án giải quyết.

Cũng theo ông Thành, chủ đầu tư chậm hoàn trả 17 tuyến đường hư hỏng tại huyện Bình Sơn và Tư Nghĩa do các gói thầu trên 2 địa bàn này mới hoàn thành. Chủ đầu tư đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Ngãi nói rõ những vướng mắc và cam kết sẽ hoàn trả tất cả 17 tuyến trong tháng 10-2018.

Có những vướng mắc này ông Thành thừa nhận, do hai bên phối hợp chưa tốt. Dự kiến, trong tuần này, đại diện VEC sẽ làm việc với tỉnh Quảng Ngãi để xử lý dứt điểm những tồn tại của dự án.

Hơn 18.500 hộ gia đình bị ảnh hưởng

Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do VEC làm chủ đầu tư, quản lý khai thác.

Dự án khởi công ngày 19/5/2013; đi qua địa phận các tỉnh/thành phố: TP. Đà Nẵng (7,9km), tỉnh Quảng Nam (91,2km) và tỉnh Quảng Ngãi (40,1km). Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 139,204km, với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là  34.516 tỷ đồng; trong đó, vốn vay JICA là 16.799 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 590,39 triệu USD.

Tuyến chính cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe; tốc độ thiết kế 120km/h.

Để phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tổng diện tích đất phải thu hồi 1.180ha, với hơn 18.550 hộ gia đình bị ảnh hưởng; bố trí tái định cư tập trung và tại chỗ cho 1.956 hộ gia đình với việc bố trí 2.797 lô đất; di dời 175 công trình công cộng.