- Qua vòng rà soát, cao tốc Cao Lãnh- An Hữu đội vốn gần 2.000 tỷ đồng
- Trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương dự án cao tốc Cao Lãnh- An Hữu
- Đề nghị bổ sung vốn cho hàng loạt công trình giao thông “khủng”
Bộ GTVT vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 lên 7.496 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng do tăng chi phí GPMB và điều chỉnh chi phí xây dựng.
Cao tốc Cao Lãnh- An Hữu tăng vốn hơn 1.600 tỷ đồng dù chưa triển khai xây dựng |
Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng hơn 1.000 tỷ đồng chủ yếu do thay đổi về đơn giá bồi thường đất, cây trồng, vật kiến trúc và chính sách hỗ trợ so với thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư. Chi phí xây dựng, thiết bị dự kiến tăng 644 tỷ đồng.
Về khả năng cân đối vốn, Bộ GTVT kiến nghị bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện dự án từ năm 2022-2027.
Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2022 và phân cấp cho UBND các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần.
Theo phương án được phê duyệt, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài hơn 27km. Điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, dự án thành phần 1 dài khoảng 16km thuộc tỉnh Đồng Tháp. Dự án thành phần 2 dài hơn 11km trên địa bàn hai tỉnh: Đồng Tháp và Tiền Giang.
Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.