Cạnh tranh sẽ công bằng?

(ANTĐ) - Từ ngày 1-7-2010, Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT của Bộ TT-TT quy định hoạt động khuyến mãi đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất chính thức có hiệu lực. Theo đó, cuộc đua khuyến mãi nhằm “câu khách” của các mạng viễn thông lớn sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.

“Trói” khuyến mãi di động:

Cạnh tranh sẽ công bằng?

(ANTĐ) - Từ ngày 1-7-2010, Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT của Bộ TT-TT quy định hoạt động khuyến mãi đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất chính thức có hiệu lực. Theo đó, cuộc đua khuyến mãi nhằm “câu khách” của các mạng viễn thông lớn sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.

Cần cạnh tranh công bằng về giá cước trên thị trường viễn thông (ảnh minh họa)
 Cần cạnh tranh công bằng về giá cước trên thị trường viễn thông (ảnh minh họa)

Theo Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT, mức giảm tối đa khi khuyến mãi đối với giá bán SIM chứa số thuê bao di động, giá bán máy điện thoại di động đã gắn sẵn số thuê bao di động, giá bán thẻ nạp tiền không được vượt quá 50% giá bán hàng hóa chuyên dùng đó ngay trước thời gian khuyến mãi. Ví dụ, giá bán SIM có chứa số thuê bao di động trước khi khuyến mãi là 50.000 đồng/SIM thì khi thực hiện khuyến mãi, giá giảm tối đa là 25.000 đồng/SIM. Mức tặng tối đa khi khuyến mãi đối với thẻ nạp tiền không được vượt quá 100% mệnh giá thẻ nạp tiền được bán. Ví dụ, với trường hợp khách hàng mua thẻ nạp tiền mệnh giá 100.000 đồng/thẻ, trong thời gian khuyến mãi, doanh nghiệp di dộng được tặng khách hàng tối đa 1 thẻ nạp tiền mệnh giá 100.000 đồng.

Cũng theo Thông tư này, các mạng có thể thực hiện khuyến mãi đồng thời đối với một trong những hàng hóa nêu trên nhưng khi áp dụng chương trình khuyến mãi này, tổng giá trị khuyến mãi không được giảm quá 50% giá trị hàng hóa đó trước khi khuyến mãi. Ví dụ, trước khi khuyến mãi, thẻ có mệnh giá 100.000 đồng/thẻ, khách hàng mua với giá 100.000 đồng/thẻ. Nếu doanh nghiệp khuyến mãi 50.000 đồng/thẻ, đồng thời tặng cho khách hàng 1 thẻ nạp tiền mệnh giá 50.000 đồng là vi phạm nguyên tắc khuyến mãi của Thông tư, bởi khi đó, thực tế khách hàng chỉ phải chi trả 50.000 đồng để có được 150.000 đồng.

Nói cách khác, giá bán thẻ nạp tiền đã giảm hơn 50% so với trước khi khuyến mãi. Tuy nhiên với trường hợp nhà mạng khuyến mãi cho khách hàng bằng cách bán thẻ mệnh giá 100.000 đồng với giá 75.000 đồng và tặng kèm theo 1 thẻ mệnh giá 50.000 đồng thì không vi phạm nguyên tắc. Trên thực tế, khách hàng đã trả 75.000 đồng để được tài khoản 150.000 đồng, chưa vượt quá giới hạn khuyến mãi 50% giá bán hàng hóa. Quy định tương tự cũng được áp dụng đối với khuyến mãi tin nhắn của các mạng di động.

Trong suốt thời gian dài vừa qua, các chương trình khuyến mãi với giá trị lớn và liên tiếp được coi là “chiêu” câu khách chủ yếu của tất cả các mạng di động. Những “đại gia” lĩnh vực này tỏ ra khá ung dung trước các chương trình khuyến mãi dù họ có áp dụng tặng 105% giá trị thẻ nạp hoặc tặng tài khoản gấp 3 lần giá trị SIM lúc bán cho khách hàng. Đại diện một mạng di động lớn chia sẻ: “Nếu doanh nghiệp đối thủ khuyến mãi lớn mà mình không khuyến mãi, khách hàng sẽ “nóng ruột” và không ít người đổi mạng mới luôn”. Cuộc đua khuyến mãi, giảm giá cước diễn ra khá căng thẳng từ sau tháng 6-2009, khiến giá cước viễn thông giảm tương đối nhiều, khách hàng được hưởng lợi. Tuy nhiên, dù không đề cập đến chuyện sẽ “đuối sức” trong cuộc đua giảm giá cước nhưng đại diện 1 mạng di động lớn cũng cho rằng: “Đã đến lúc cần cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ”!

Chạy theo cuộc đua giành thị phần này, các mạng di động có thị phần nhỏ hơn: Vietnammobile, S-fone… còn có những chương trình khuyến mãi giảm giá sâu hơn, trong thời gian dài hơn. Tuy nhiên, tại một cuộc họp của Bộ TT-TT, đại diện một mạng di động nhỏ đã lên tiếng, nếu các mạng lớn cứ chạy đua giá cước, thậm chí cung cấp dịch vụ dưới giá thành thì các mạng nhỏ khó bề đứng vững. Bởi vì, dù cung cấp dịch vụ với giá thấp thì các doanh nghiệp lớn cũng đã có lãi, trong khi doanh nghiệp nhỏ sẽ bị thâm hụt vốn. Cuộc cạnh tranh này không công bằng và cần có người “cầm cân nảy mực”.

Thông tư 11/2010/TT-2010 cũng quy định cụ thể, tổng thời gian khuyến mãi của mỗi mạng di động không được vượt quá 90 ngày/năm và thời gian tối đa cho một chương trình khuyến mãi không được vượt quá 45 ngày. Chưa rõ khi Thông tư này có hiệu lực, các mạng di động có “lách luật” để thu hút khách, hay các mạng di động nhỏ có cơ hội vươn lên không nhưng nhiều người vẫn hy vọng, hành lang pháp lý này sẽ tạo được cuộc cạnh tranh công bằng hơn, giải quyết được những “bứt rứt” trên thị trường viễn thông hiện nay.

Vân Hằng