Hôm nay 4-9, tập trung đội tuyển Việt Nam:

Cạnh tranh nhưng phải sòng phẳng

ANTĐ - Hôm nay, đội tuyển Việt Nam sẽ bước vào đợt tập trung đầu tiên trong quá trình chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2012. Từ nay cho tới thời điểm giải đấu quan trọng nhất của bóng đá khu vực khai màn, những cuộc cạnh tranh giữa các cầu thủ hứa hẹn sẽ diễn ra hết sức khốc liệt.

Cạnh tranh nhưng phải sòng phẳng  ảnh 1
Bất cứ sự cạnh tranh không sòng phẳng nào đều gây tổn hại lớn cho đội tuyển
Trong bóng đá cũng như trong cuộc sống, sự cạnh tranh cũng có mặt tốt và mặt xấu của nó. Mặt tốt là tạo nên động lực cho sự phát triển, giúp lựa chọn những cá nhân nổi trội, còn mặt xấu là tạo khoảng cách giữa các “đối thủ” và kéo theo những hệ lụy không tốt cho một tập thể. Cuộc cạnh tranh vị trí ở đội tuyển Việt Nam từ trước tới nay còn diễn ra một cách căng thẳng và vô cùng nghiệt ngã bởi những người trong cuộc không những so kè với nhau về chuyên môn mà còn dùng nhiều biện pháp tâm lý “ngoài lề” nhằm triệt hạ đối thủ. 

 Trong một buổi tập, các tân binh thân cô, thế cô luôn nhận những đường chuyền bóng như “ném gạch” rồi trong sinh hoạt đời thường lại hay bị “anh lớn” nhắc nhở những chuyện không đâu. Chỉ đơn giản như vậy nhưng cũng đủ để khiến nhiều tân binh trẻ “sợ” đội tuyển. 

Những cầu thủ trẻ có năng lực tốt nhưng nếu không biết cách sống “có trên, có dưới” thì nhiều khả năng cũng phải chịu cảnh bị loại giống như những người kém về chuyên môn. Về điều này, Danh Ngọc (Vissai Ninh Bình) là một ví dụ. Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 25 hồi năm 2009, Danh Ngọc được đánh giá là có tài nhưng tiếc là bản tính của tiền vệ này lại khá “trẻ con”, bỏ qua nhiều phép tắc. Điều ấy khiến nhiều cầu thủ lớn tuổi hơn cảm thấy khó chịu và đỉnh điểm là việc Danh Ngọc phải nhận “lời cảnh cáo” ngay trong một bữa ăn. Sau vụ đó, cầu thủ gốc Thái Bình tỏ ra đuối dần trong các buổi tập và cuối cùng, không có tên trong danh sách đi Lào dự SEA Games 25. 

Cùng thời điểm với “sự cố” kể trên của Danh Ngọc, nội bộ đội tuyển  U23 Việt Nam cũng râm ran bàn tán về “nhóm nọ, nhóm kia”. Mỗi nhóm có đầy đủ các vị trí hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo. Trong các buổi tập ở giai đoạn chuẩn bị nước rút, mỗi nhóm hô hào thành viên đoàn kết để bảo vệ lợi ích nhóm. Ví dụ, hậu vệ nhóm này chơi rát hơn đôi chút khi đối mặt với tiền đạo nhóm kia để tiền đạo thuộc nhóm của mình được giảm bớt sự cạnh tranh. Khi ấy, may mà HLV Calisto là người hiểu quá rõ bóng đá Việt Nam nên ông đã có những động thái nhắc nhở nghiêm khắc các học trò. Đặt trường hợp một HLV khác không nắm được tường tận vấn đề, đội tuyển không sớm thì muộn cũng... hỏng khi một tập thể lẽ ra cần đoàn kết hướng đến cái chung thì lại chia rẽ vì những lợi ích nhỏ hơn.

Bây giờ, đội tuyển Việt Nam đang được dẫn dắt bởi HLV Phan Thanh Hùng - người từng là cầu thủ, có những trải nghiệm phong phú và biết tới từng ngóc ngách của bóng đá nội từ thời bao cấp cho tới kỷ nguyên V-League. Thế nên, hãy tin rằng ông cũng sẽ giống như HLV Calisto, tạo ra sự cạnh tranh ở mức lành mạnh nhất. Có như vậy, đội tuyển Việt Nam mới vừa có những cá nhân ưu tú, vừa giữ được là một khối thống nhất để có thể đi tới mục tiêu lớn tại AFF Suzuki Cup 2012.