Cảnh sát Myanmar đụng độ, bắt giữ 100 người biểu tình

ANTĐ - Ngày 10-3, cảnh sát Myanmar đã sử dụng dùi cui để giải tán người đám đông và bắt giữ hơn 100 người biểu tình khi họ xuống đường tuần hành đòi quyền tự do học thuật. 

Khoảng 200 sinh viên cùng những người ủng hộ đã biểu tình chống lại một dự luật giáo dục ngăn cấm quyền tự do học thuật. Đám đông lên kế hoạch đi bộ từ trung tâm thành phố Mandalay đến các trung tâm thương mại của thủ đô Yangon, nhưng bị cảnh sát chặn ở Letpadan, cách khoảng 140 km (90 dặm) về phía bắc Yangon.

Reuters dẫn lời một nhân chứng cho biết, cảnh sát đã đánh đập các sinh viên, tu sĩ và nhà báo bằng dùi cui và bắt 100 người nhốt vào các xe tải để chặn đứng đám đông trên đường phố.

Khoảng 100 người bị nhốt trên 2 chiếc xe cảnh sát

Mặc dù trước đó, cảnh sát đã đồng ý cho phép người biểu tình tiếp tục diễu hành vào sáng 10-3, nhưng thỏa thuận này đã bị phá vỡ. Các nhân chứng nói rằng sau sự can thiệp quá tay của cảnh sát, khoảng 100 người biểu tình đã bị khóa vào hai xe cảnh sát, trong khi nhiều người phải bỏ chạy và một số người khác bị đuổi vào một ngôi chùa Phật giáo. 

Các nhân chứng cáo buộc cảnh sát đánh đập người biểu tình
Sau vụ việc, Phái đoàn Liên minh châu Âu, tổ chức chuyên đào tạo cảnh sát trấn áp đám đông, đã lên án sự đàn áp mạnh tay của cảnh sát Myanmar và nói trong một tuyên bố rằng họ “thực sự hối hận vì việc sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình hòa bình”.

Hội đồng báo chí Myanmar cũng cho biết, họ đã nộp đơn khiếu nại, phản đối việc bắt giữ của các phóng viên và kêu gọi thả tự do cho họ.

Phía cảnh sát và phát ngôn viên chính phủ Myanmar chưa đưa ra bất cứ bình luận nào. Bộ Thông tin Truyền thông nước này đã đăng tải các hình ảnh của cuộc đụng độ biểu tình trên trang Facebook cho thấy nhiều sinh viên bị khống chế trước sức ép quá lớn của lực lượng cảnh sát.

Cảnh sát Myanmar đụng độ với người biểu tình vào hôm 10-3

Lãnh đạo sinh viên bác bỏ ý kiến ​​cho rằng những người biểu tình đã xúi giục bạo lực. “Thật đau lòng khi cảnh sát đã dùng bạo lực đối với các sinh viên của chúng tôi, nhưng chắc chắn một điều rằng chúng tôi không sử dụng bạo lực để chống trả lại”, ông Lin Htet Naing, lãnh đạo Liên đoàn Sinh viên cho biết.

Yangon là địa điểm của nhiều cuộc biểu tình sinh viên, bao gồm cả những cuộc biểu tình trong năm 1988 làm dấy lên một phong trào dân chủ, phát triển ra khắp đất nước, trước khi bị chính quyền quân sự đàn áp. Năm 2011, một chính phủ cải cách bán dân sự lên nắm quyền sau 49 năm cai trị quân sự và dường như chính quyền mới không phản ứng với các cuộc biểu tình trong đất nước.