Cảnh giác với chấn thương xương ở trẻ nhỏ
(ANTĐ) - Trẻ em là lứa tuổi vô cùng hiếu động, bởi vậy nguy cơ chấn thương xương là rất lớn nếu các bậc phụ huynh lơ là. Việc điều trị chấn thương về xương của trẻ cũng rất khó khăn. Đặc biệt, không ít phụ huynh còn không kịp thời phát hiện các chấn thương của trẻ dẫn đến những hậu quả lâu dài đáng tiếc.
Trẻ vận động nhiều rất dễ xảy ra các tai nạn về xương |
Bé Phạm Mỹ Như, 4 tuổi rất hiếu động. Trong một lần tập xe, bé bị ngã chống khủy tay xuống đất. Thấy con tuy khóc to nhưng không bị xây xát gì nên gia đình bé chủ quan, nghĩ rằng con chỉ bị đau bình thường. Nhưng 1 ngày sau thấy bé vẫn khóc, phần khuỷu tay có biểu hiện hơi sưng nên gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương chụp X-quang. Kết quả cho thấy bé đã bị gãy liên lồi cầu xương cánh tay. Bé được bó thuốc nam và lành sau đó 20 ngày. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy.
Trường hợp bé Trịnh Nguyên Sơn, 8 tuổi đã phải điều trị lại tại khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Bạch Mai do bị trật khớp sau khi bó bột. Lúc 5 tuổi, bé bị ngã nứt đầu khớp khuỷu tay trái, sau khi tháo bột thì đầu khớp bị cong lên. Nguyên nhân được bác sĩ đưa ra là do vùng xương gãy bị hoại tử, vùng sụn tăng trưởng bị hư hại nên không phát triển được, trong khi đó vùng sụn tăng trưởng phía ngoài vẫn tăng trưởng nên đẩy khuỷu vẹo vào trong. Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ vẹo càng lớn vì xương còn phát triển mạnh. Biến chứng này vừa gây ảnh hưởng đến chức năng vận động của cánh tay, vừa ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Trần Quỳnh, Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Đa phần các chấn thương về xương của trẻ là ở vùng cánh tay, trong đó gãy liên lồi cầu xương cánh tay là loại chấn thương thường gặp, chiếm tới trên 70% các gãy xương ở trẻ em dưới 10 tuổi và 55% các gãy xương vùng khuỷu. Việc điều trị gãy xương ở trẻ em nhiều khi khá phức tạp vì trẻ rất hiếu động, đôi khi người lớn lại không kịp thời phát hiện, các biến chứng cũng rất dễ xảy ra.
Biến chứng sớm như tổn thương mạch máu, thần kinh, hội chứng khoang; biến chứng muộn như: sưng lớn, căng nề, phồng dịch do thiếu oxy, ngạt tế bào... Di chứng biến dạng cẳng tay cong vào trong còn rất phổ biến
(41-77%). Đặc biệt, có thể bị hội chứng Volkmann để lại di chứng nặng nề. Chính vì vậy đến nay, điều trị gãy liên lồi cầu xương cánh tay trẻ em vẫn được coi là khó ngay cả đối với các nhà điều trị chấn thương có kinh nghiệm. Trên thế giới, có khá nhiều phương pháp điều trị theo Đông y và Tây y cho kết quả rất tốt.
Trong điều trị, khi gãy không di lệch hoặc di lệch không đáng kể thì có thể bó bột hoặc nẹp cố định chi tư thế khuỷu gấp 70-80 độ, cẳng tay sấp. Với trường hợp gãy di lệch nhiều thì có thể nắn chỉnh dưới gây tê ổ gãy hoặc tê đám rối thần kinh cánh tay, với trẻ em thì thường gây mê.
Trước đây, nhiều trường hợp di lệch nhiều còn phải mổ mở, bộc lộ xương để nắn chỉnh cố định xương. Ngày nay, với kỹ thuật ghim đinh qua da dưới kiểm soát của màn hình tăng sáng, các bác sĩ có thể không cần phải mổ mở mà vẫn nắn chỉnh và cố định xương chính xác.
Gãy xương đùi ở trẻ em tuy ít gặp hơn nhưng được đánh giá là loại gãy xương khó điều trị và dễ gây những biến chứng nặng cho trẻ. Việc nắn chỉnh được các đầu gãy, mảnh gãy của xương về đúng vị trí giải phẫu ban đầu rất khó khăn do xương đùi to, có nhiều cơ lớn khỏe bám vào và co kéo. Nếu có nắn được tương đối hoàn hảo thì cũng dễ bị di lệch thứ phát trong bột, do bột không thể cố định vững chắc suốt thời gian dài để cho xương liền vững.
Thời gian liền ổ gãy thân xương đùi ở trẻ em tương đối dài, từ 1,5 đến 2,5 tháng. Trong thời gian mang bột dài như thế, dễ xảy ra loét các điểm tì, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, gây hạn chế hầu hết các sinh hoạt cá nhân của các cháu. Khi xương liền vững, bệnh nhân tập vận động tích cực, song vẫn có tỷ lệ cao bị teo cơ, cứng khớp, ngắn chi, ảnh hưởng tới sức khỏe, thẩm mỹ của các cháu sau này.
Ngày nay, phương pháp điều trị gãy xương đùi bằng phẫu thuật có thể khắc phục được những nhược điểm trên của bó bột. Vì vậy, trước đây chỉ định mổ kết hợp xương đùi chỉ cho trẻ từ 12 tuổi, nay đã được hạ xuống mức 5 tuổi trở lên.
Trẻ được chỉ định mổ khi đã nắn chỉnh tích cực, đúng kỹ thuật, nhưng không đạt yêu cầu về giải phẫu, chức năng, thẩm mỹ và cơ sở điều trị có đủ các điều kiện để mổ. Phẫu thuật kết hợp xương cũng có hạn chế như tỷ lệ nhiễm trùng từ 0,5 đến 5%, phải mổ lại để lấy bỏ nẹp vít ra khi xương đã liền tốt...
Linh Nhật