Hầu hết người quan tâm đến vấn đề này đều cho rằng việc áp dụng tiêu chí niên hạn để thực hiện việc cấm lưu hành đối với mô tô, xe máy là chưa hợp lý. Bởi không phải xe nào sản xuất lâu cũng là xe không đảm bảo an toàn. Trong khi không ít xe mới đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã hỏng hóc, dễ gây tai nạn giao thông và ảnh hưởng đến môi trường; nhiều loại xe dù hoạt động hàng chục năm nhưng được bảo dưỡng thường xuyên thì các thông số kỹ thuật vẫn đảm bảo. Do đó việc quy tất cả những xe cũ ít sử dụng, được chăm sóc cẩn thận vào “nhóm cấm” đang nhận được rất nhiều đánh giá trái chiều. Liên quan đến quy chế này, nhiều ý kiến cho rằng nên lấy tiêu chí về thông số kỹ thuật để quyết định việc có nên cấp phép lưu hành xe cũ hay không. Nếu mô tô, xe máy được kiểm định chất lượng như ô tô thì sẽ vừa dễ thực hiện cho lực lượng giám sát, lại nhận được sự đồng tình của quần chúng nhân dân.
Ở góc độ khác, xe cũ chủ yếu thuộc sở hữu của người có thu nhập thấp. Áp dụng việc cấm không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận lớn người dân, dễ gây xáo trộn xã hội mà còn gây lãng phí. Một khi quy chế cấm xe theo niên hạn được áp dụng thì hàng vạn người lao động chỉ đủ điều kiện để sở hữu xe có giá trị thấp và đang phụ thuộc nhiều vào công cụ mưu sinh này sẽ ra sao? Rồi cả việc tịch thu và giải quyết một lượng lớn xe cũ sẽ được thực hiện như thế nào để tránh lãng phí?
Trong bối cảnh hiện nay, việc UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng một quy chế nhằm giải quyết bài toán hạn chế tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường do xe máy cũ gây ra là bước đi đúng đắn. Nhưng để kiểm soát mô tô, xe máy và có căn cứ để xử lý xe không đảm bảo an toàn, xe không rõ nguồn gốc thì cần có sự tính toán kỹ hơn để đưa ra “lý do” hợp lý.