Cần giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn những tiếng nói, đề xuất giải pháp hòa bình vào dịp tròn một năm cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, trong đó đáng chú ý có cả những đề nghị thúc đẩy đàm phán đến từ các thành viên của NATO cho dù liên minh quân sự này đang hậu thuẫn, cung cấp nhiều nhất vũ khí cho Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đề nghị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đàm phán với Nga

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đề nghị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đàm phán với Nga

Nhiều thành viên NATO muốn Ukraine đàm phán với Nga

Tạp chí Phố Wall trong số ra mới đây cho biết, chính quyền của Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đề xuất cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí và đảm bảo an ninh hơn, tới mức không kém gì thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm khuyến khích nước này “khởi động các cuộc đàm phán với Matxcơva”. Một quan chức Chính phủ Anh giấu tên cho rằng, những cam kết như đề xuất của London nên đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 7 tới để mang lại cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “một chiến thắng chính trị” để làm động lực cho Kiev đàm phán với Matxcơva.

Tuy nhiên, theo các giới chức, kế hoạch của Thủ tướng Anh Rishi Sunak, không bao gồm việc triển khai lực lượng NATO ở Ukraine hay đưa ra các cam kết theo Điều 5 của Hiến chương NATO về việc can thiệp quân sự trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công. Trong khi đó, đây là những điều mong muốn hàng đầu với chính quyền của ông Volodymyr Zelensky.

Hai thành viên quan trọng của NATO ở châu Âu là Pháp và Đức được cho là cũng ủng hộ đề xuất của Anh và đã kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đàm phán với Nga. Theo một nguồn tin tiết lộ với tờ Tạp chí Phố Wall, trong bữa tối tại Điện Elysee (Dinh Tổng thống Pháp) vào đầu tháng 2 này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công khai nói với ông Volodymyr Zelensky khi đó đang ở thăm Pháp rằng, ông cần bắt đầu xem xét các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Theo nguồn tin trên, chính quyền của ông Volodymyr Zelensky đã từ chối đề xuất của Thủ tướng Anh cũng như “gợi ý” đàm phán với Nga của Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức. Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrey Melnik cho rằng, đây là bước khởi động hiệu quả, song Kiev vẫn cần “một cam kết rõ ràng về tư cách thành viên NATO và đây là giải pháp duy nhất cho một nền hòa bình lâu dài”.

Cho dù đề xuất của Thủ tướng Anh vẫn bao gồm tăng cường viện trợ vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine nhằm giúp Kiev có lợi thế ngồi vào bàn đàm phán với Nga và ông Volodymyr Zelensky đã từ chối, song điều này cũng được xem là chỉ dấu rằng có những thành viên quan trọng của NATO ở châu Âu cũng thấy đã đến lúc phải tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine. Cuộc xung đột kéo dài hơn 1 năm này đang ngày càng lôi kéo liên minh quân sự NATO can dự nhiều hơn, tất nhiên hiện mới chỉ dừng ở việc hậu thuẫn về chính trị, ngoại giao, kinh tế và viện trợ quân sự.

Thế nhưng, cuộc xung đột Ukraine đang gây ra những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng với không chỉ hai bên tham chiến trực tiếp là Nga và Ukraine với tổn thất về sinh mạng và vật chất khó có thể tưởng tượng nổi vào thời điểm cuộc xung đột này bắt đầu hơn năm trước. NATO dù chỉ viện trợ và hậu thuẫn phía sau nhưng cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ, trong đó chỉ riêng cung cấp đạn dược cho Ukraine thôi cũng đã đe dọa kho dự trữ chiến lược của các thành viên liên minh bởi số đạn bắn ra hàng ngày đã vượt xa khả năng sản xuất của Ukraine lẫn cung ứng của NATO cũng như các quốc gia phương Tây khác. NATO đang thấy gánh nặng chiến phí ở Ukraine đè nặng kho dự trữ nói riêng, nền kinh tế của họ nói chung.

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ tiết lộ, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông báo tới phía Ukraine rằng Washington “không sở hữu nguồn lực vô tận” để hỗ trợ Kiev. Một số thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ hiện phản đối chính sách cung cấp hỗ trợ quân sự không giới hạn cho Ukraine. Cùng với đó, kết quả của cuộc điều tra xã hội học do hãng tin này phối hợp với Ipsos tiến hành trước đó cho thấy, tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ chính sách hỗ trợ quân sự cho Ukraine đã giảm đi. Nếu như tháng 4-2022 có 73% số người được hỏi ủng hộ chính sách này thì đến đầu tháng 2-2023, tỷ lệ ủng hộ giảm xuống mức 58%.

Đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, lâu dài

Ngay từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát kể từ lúc Matxcơva mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Kiev, cộng đồng quốc tế trong suốt hơn một năm qua liên tục kêu gọi hai quốc gia này đối thoại để hạ nhiệt căng thẳng, nhiều nước sẵn sàng đóng vai trò trung gian để đưa Matxcơva và Kiev ngồi vào bàn đàm phán.

Thực tế, không lâu sau khi nổ ra chiến sự, quan chức hai bên Nga và Ukraine đã có những cuộc thảo luận trực tiếp tại các nước thứ ba là Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ. Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký gián tiếp thông qua vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7-2022 từng được hy vọng sẽ tạo đà cho các cuộc đối thoại có thể làm thay đổi cục diện cuộc xung đột.

Tuy nhiên, tình trạng bế tắc kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay cho thấy triển vọng đàm phán giữa Nga và Ukraine đến nay vẫn đang ngoài tầm với. Song không phải vì thế mà cánh cửa hòa bình đã hoàn toàn khép chặt với cả Nga và Ukraine. Mỹ và một số nước châu Âu dù đang tiếp tục viện trợ số lượng rất lớn vũ khí cho Ukraine nhưng đã có những dấu hiệu muốn tìm cách thúc đẩy đối thoại giữa Kiev và Matxcơva.

Tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23-2 vừa qua, Chủ tịch Đại hội đồng Csaba Korosi nhấn mạnh trong vòng 1 năm qua, cuộc xung đột tại Ukraine đã cướp đi sinh mạng, kế sinh nhai và cuộc sống của quá nhiều người, điều đó như một lời nhắc nhở rằng các giải pháp quân sự sẽ không thể chấm dứt được xung đột. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ, nguy cơ leo thang xung đột ở Ukraine vẫn hiện hữu và triển vọng hòa bình đang giảm dần, do đó thúc đẩy đối thoại để mở cánh cửa hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột phải là ưu tiên số một hiện nay.

Trong động thái đáng chú ý, các quan chức lãnh đạo tài chính của Nhóm G-20 nhóm họp ngày 25-2 tại Ấn Độ đã không đạt được thỏa thuận về lên án Nga. Trong tuyên bố của nước chủ nhà Ấn Độ đưa vào cuối cuộc họp nhấn mạnh: “Giải quyết xung đột một cách hòa bình, nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như áp dụng ngoại giao và đối thoại - là rất quan trọng. Thời đại ngày nay không được để xảy ra chiến tranh”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong thông báo đưa ra ngày 25-2 cho biết, ông sẽ tới thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4 tới và kêu gọi Bắc Kinh hối thúc Nga dừng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Thông báo này được Tổng thống Pháp đưa ra sau khi Trung Quốc công bố giải pháp hòa bình gồm 12 điểm, trong đó kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột tại Ukraine. Ngay sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ hy vọng sẽ sớm gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về tình hình xung đột.

Tại Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên hợp quốc để thảo luận về tình hình Ukraine ngày 23-2 vừa qua, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.