Cần đối thoại và bảo vệ người dân trong xung đột vũ trang ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine là rất khó khăn, song đó là điều các bên liên quan cần nỗ lực níu giữ ngay cả khi mong manh nhất, đồng thời phải bảo vệ thường dân vô tội.

Hậu quả của xung đột vũ trang leo thang và lan rộng

Thông tin mới nhất từ cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine cho thấy, chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra với các cuộc không kích, giao tranh tại nhiều thành phố, trong đó có Thủ đô Kiev và thành phố Kharkov. Trong đêm mùng 1, rạng sáng 2-3, những tiếng nổ lớn tiếp tục vang lên tại các thành phố chủ chốt của Ukraine khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga nhằm vào quốc gia này bước sang ngày thứ 7.

Các cơ quan truyền thông Ukraine cho biết, lực lượng đổ bộ đường không của Nga đã đổ bộ vào Kharkov - thành phố lớn thứ hai của nước này - và giao tranh dữ dội với các lực lượng Ukraine. Trong thông báo đưa ra ngày 2-3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng vũ trang nước này đã “kiểm soát hoàn toàn” thành phố Kherson - thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền Nam Ukraine. Phía Ukraine dù chưa xác nhận, nhưng các hình ảnh cho thấy lực lượng Nga đã xuất hiện ở trung tâm thành phố Kherson và “đi lại tự do khắp nơi”.

Xung đột vũ trang leo thang và lan rộng đã khiến nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao nước ngoài di chuyển nhân viên khỏi Ukraine, trong khi có thêm hàng trăm nghìn thường dân Ukraine phải bỏ nhà đi lánh nạn. Mỹ, Bỉ, Nhật Bản… đã đóng cửa Đại sứ quán tại Thủ đô Kiev, Italia chuyển Đại sứ quán nước này tại Ukraine từ Thủ đô Kiev đến thành phố Lvov do tình hình an ninh đang xấu đi. Ngoài cơ quan ngoại giao, các quốc gia cũng đã xúc tiến việc di tản, hỗ trợ công dân nước mình tại Ukraine di chuyển khỏi các vùng chiến sự, đến những nơi an toàn hoặc đưa họ hồi hương.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng

Trung Quốc đã bắt đầu sơ tán công dân khỏi Ukraine, theo đó lượt đầu tiên gồm khoảng 600 sinh viên Trung Quốc đã được sơ tán hôm 28-2 khỏi Kiev và thành phố cảng Odessa (miền Nam Ukraine). Tiếp đó, hơn 1.000 công dân khác của Trung Quốc đã rời Ukraine trong ngày 1-3 để tới Ba Lan và Slovakia - hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ của 15 quốc gia Mỹ Latinh đã tiến hành sơ tán công dân của mình khỏi Ukraine bằng đường bộ hoặc đường hàng không trong những ngày qua.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh cần bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường. Đại sứ đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân Việt Nam đến nơi an toàn.

Ngày 1-3, ông Filippo Grandi - người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, khoảng 677.000 người tị nạn ở Ukraine đã tới các nước láng giềng an toàn, trong khi ước tính có khoảng 1 triệu người Ukraine phải sơ tán ở trong nước. Ông Filippo Grandi nhấn mạnh, số lượng người phải di tản ở Ukraine là “đặc biệt đáng quan ngại” và một nửa trong số trên đã sang Ba Lan, Hungary (gần 90.000 người), Moldova (60.000), Slovakia (50.000 người), Romania (40.000 người). Thống kê đưa ra cùng ngày 1-3 của Liên hợp quốc cho thấy, khoảng 12 triệu người tại Ukraine cần trợ giúp, khoảng 1 triệu người đã mất nhà cửa.

Theo người lãnh đạo UNHCR, tình hình trên nếu tiếp diễn có thể trở thành cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu trong thế kỷ này. Giới chức phụ trách viện trợ nhân đạo và giải quyết khủng hoảng của châu Âu lo ngại cho rằng, trong trường hợp chiến sự tiếp diễn và lan rộng, có thể có tới 7 triệu người Ukraine phải rời nhà cửa, quê hương đi lánh nạn. Và nếu tình hình giao tranh kéo dài hơn, khoảng 18 triệu người Ukraine cần viện trợ nhân đạo và đây sẽ là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở lục địa châu Âu trong nhiều năm qua.

Thế giới mong muốn Nga - Ukraine chấm dứt chiến sự, tiếp tục đàm phán để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang

Thế giới mong muốn Nga - Ukraine chấm dứt chiến sự, tiếp tục đàm phán để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang

Nắm giữ mọi cơ hội hòa bình dù mong manh nhất

Chấm dứt xung đột vũ trang, ngồi vào đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột nóng nhất tại châu Âu đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn thế giới. Dư luận đang đổ dồn sự chú ý vào vòng 2 đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine trong ngày 2-3, tại một địa điểm gần biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Nhìn vào quan điểm còn rất khác biệt giữa Nga và Ukraine, giới quan sát cho rằng rất khó để 2 bên sớm tìm thấy tiếng nói chung.

Tại vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 28-2, phía Nga yêu cầu Ukraine phải chính thức tuyên bố không gia nhập các khối chống lại Nga và tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này. Mátxcơva cũng yêu cầu, Kiev cũng phải công nhận độc lập của 2 vùng ly khai là Donetsk và Lugansk, cũng như từ bỏ yêu cầu Nga trả lại bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014. Trong khi đó, phía Ukraine yêu cầu Nga ký kết lệnh ngừng bắn và rút quân đội khỏi lãnh thổ của mình vô điều kiện. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngay sau đó tuyên bố, “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine sẽ không dừng lại cho đến khi Nga “đạt được các mục tiêu đề ra.

Không dễ để Nga và Ukraine chấm dứt xung đột, cùng ngồi lại tìm kiếm một giải pháp hòa bình trong lúc này. Thế nhưng, rất khó hay rất mong manh không có nghĩa là đã hết cơ hội cho cuộc khủng hoảng này. Trong động thái rất đáng chú ý, khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN ngày 1-3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, ông sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Đây cũng là lần đầu tiên mà nhà lãnh đạo Ukraine đề cập tới khả năng này từ khi chiến sự bùng phát ngày 24-2.

Những ngày qua, cộng đồng quốc tế đã mạnh mẽ yêu cầu các bên liên quan chấm dứt chiến sự, ngồi vào đàm phán tìm giải pháp hòa bình, đồng thời bảo vệ thường dân ở Ukraine. Ngày 1-3, ngày thứ hai của phiên họp đặc biệt do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức về tình hình Ukraine, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi chấm dứt tình trạng xung đột, chú trọng bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdullah Shahid cũng kêu gọi các bên ngừng bắn, quay trở lại đàm phán ngoại giao và bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của cuộc xung đột đối với người tị nạn, người di cư và kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và ủng hộ các sáng kiến nhân đạo. Đại diện hơn 100 nước và các tổ chức đã phát biểu ý kiến, bày tỏ quan ngại trước tình hình trên thực địa và cho rằng cần sớm nối lại đối thoại, tránh để tình hình xấu đi, chú trọng tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chia sẻ, từ lịch sử phải trải qua chiến tranh đau thương dai dẳng của chính mình, Việt Nam thấy rằng, chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Đại sứ khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Về tình hình Ukraine, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng. Đại sứ hoan nghênh cuộc đối thoại ngày 28-2 giữa phái đoàn Ukraine và Nga, đồng thời mong muốn các bên liên quan tiếp tục duy trì đối thoại, hướng tới giải pháp nêu trên.