Cần có công thức tính giá xăng minh bạch
(ANTĐ) - Những ngày qua, giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh, xuống dưới 60 USD/thùng đã khiến người tiêu dùng trong nước thắc mắc giá xăng trong nước chưa giảm. “Căn bệnh” cố hữu của cơ chế thị trường nửa vời: tăng nhanh - giảm chậm, tăng nhiều - giảm ít này cần phải được chữa trị bằng cách minh bạch hóa việc tính giá xăng dầu.
Cao hay thấp người tiêu dùng khó biết
Theo ông Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào 8 yếu tố: giá mua tại gốc với điều kiện tốt nhất; chi phí tối thiểu của doanh nghiệp kể từ vận chuyển đến người tiêu dùng; các loại thuế bao gồm: thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt; mức nộp ngân sách; phụ phí xăng hao (500 đồng/lít); mức chiết để nộp vào quỹ bình ổn giá; tỷ giá; định mức lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, 8 yếu tố này hiện còn rất “tù mù”. Giá chuẩn cần được tính bằng công thức sau: Một là, giá mua tại gốc; hai là, chi phí tối thiểu hợp lý. Nếu có con số này thì mới tạo ra giá sàn. Sau đó cộng thêm lợi nhuận hợp lý, thuế, tỷ giá và các yếu tố còn lại thì sẽ ra giá bán tối thiểu. Thời gian qua do không điều chỉnh theo nguyên tắc này, mà khi doanh nghiệp kêu lỗ, lãi thì Nhà nước điều chỉnh.
“Cơ chế điều chỉnh giá có thể là rõ ràng với những người trong cuộc nhưng lại không rõ ràng đối với người tiêu dùng. Người tiêu dùng khó có thể xác định được mức giá hiện tại là cao hay thấp” - ông Phong nói.
Doanh nghiệp sẽ được chủ động hơn
Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Hiện nay, liên Bộ Tài chính - Công Thương đang soạn thảo để lấy ý kiến các Bộ, ngành trong thời gian tới.
Giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường thế giới bình quân trong 20 ngày gần đây đã giảm hơn 3USD, xuống mức 74USD/thùng và giá dầu thô giao tháng 8 trên thị trường New York đang giữ ở mức dưới 60USD/thùng. Trước diễn biến này, Liên bộ Tài chính - Công Thương đang xem xét để có thể điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong những ngày tới, nếu giá dầu thế giới giảm mạnh mà doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đề xuất phương án điều chỉnh, liên Bộ sẽ có văn bản nhắc nhở. Được biết, đến chiều 13-7, chưa có doanh nghiệp đầu mối nào đề xuất phương án điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu lên Bộ Tài chính. |
Theo dự thảo sửa đổi, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ có quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và điều chỉnh giá bán. Chỉ khi giá dầu thế giới tăng hoặc giảm hơn giá trong nước khoảng 15% thì Nhà nước mới “can thiệp” bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá bán.
Cũng theo dự thảo này, nếu giá thế giới biến động tăng hoặc giảm trên mức 5% trong 10 ngày, doanh nghiệp mới được điều chỉnh giá, nhưng mức tăng hoặc giảm không được quá 5%. Nếu giá thế giới tiếp tục biến động trong 10 ngày tiếp theo, doanh nghiệp được niêm yết giá bán mới nhưng mức tăng và giảm cho mỗi lần không được quá 5%. Và giá bán sẽ được giữ ổn định nếu mức tăng giảm khoảng 3% trong vòng 10 ngày.
Như vậy, khi giá thế giới biến động, doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng phương án giá và trình Liên bộ Tài chính - Công Thương xem xét. Không cần chờ phê duyệt, đúng ngày giờ, doanh nghiệp tự động niêm yết giá bán mới trên hệ thống cửa hàng đại lý của mình. Liên bộ không cần ra văn bản trả lời mà sẽ thực hiện công tác hậu kiểm xem các doanh nghiệp niêm yết giá bán có hợp lý và đúng như phương án trình hay không. Doanh nghiệp sẽ bị cảnh cáo khi tăng quá mức cho phép hoặc giảm quá ít so với mức giảm của thế giới.
Tính đến chiều 13-7, chưa có doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nào đề nghị giảm giá xăng lên Bộ Tài chính |
Cần sự cạnh tranh
Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, do việc Petrolimex độc chiếm 60% thị phần nên mới xuất hiện tình trạng một giá trên cả nước, đây là giá độc quyền. Việc dự thảo cho phép doanh nghiệp tự định giá chỉ hợp lý khi Nhà nước lập công thức tính giá xăng, sau đó Nhà nước kiểm toán: giá mua gốc và chi phí hợp lý doanh nghiệp phân phối là tối thiểu. Chỉ khi có cạnh tranh thì 2 mức chi này sẽ giảm đi.
Nhưng hiện nay không có cạnh tranh nên mức chi này còn cao. Các doanh nghiệp không có động lực, sức ép để điều chỉnh làm chi phí giá xăng đội lên. Do đó, Nhà nước cần ép mức tối thiểu, sau đó công bố công khai mức nộp ngân sách, thuế, trích quỹ bình ổn giá, quỹ hư hao... thì sẽ rất minh bạch, rõ ràng. Nhà nước sẽ điều chỉnh ở khâu nếu như giá đưa ra sai với quy định thì sẽ bị phạt, thậm chí bị truy tố hình sự.
Ông Phong cho rằng, theo dự thảo mới mức dao động tăng giảm 5% trong vòng 10 ngày mang tính áng chừng. Không nên quy định 5% hay 7% mà Nhà nước có quy định, doanh nghiệp xăng dầu chỉ được lãi bao nhiêu và tất cả các chi phí tối thiểu đều công khai thì sẽ tạo được sự minh bạch. Khi giá xăng vượt quá quy định thì truy thu và truy tố nếu cần.
Hơn nữa cũng nên xem xét lại việc cấp giấy phép cung cấp xăng dầu cho tư nhân nhằm tạo ra sức cạnh tranh. Hiện nay, rất ít tư nhân đủ điều kiện để được cấp phép.Trong bối cảnh chưa cạnh tranh được thì Nhà nước phải có công thức tính giá xăng rõ ràng và có tiêu chí trong đó. Tiêu chí nào là cố định, tiêu chí nào thay đổi. Riêng chi phí tối thiểu của doanh nghiệp phải được giữ nguyên vì hiện nay doanh nghiệp đang tính chi phí này theo giá xăng. Cạnh tranh chưa đầy đủ thì phải có kiểm soát của Nhà nước. Nhà nước điều tiết giá trần và kiểm soát cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
Thanh Hoàn-Anh Tú