Cận cảnh thiếu gia sa đoạ

ANTĐ - Như một hệ quả tất yếu của nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, thế hệ thứ 2 của người giàu và quan chức Trung Quốc đang trở thành một nhóm đối tượng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó, người ta nhắc nhiều hơn đến những tệ nạn gắn liền với lớp người này: ăn chơi trác táng, đua xe, đánh bạc, ma túy, thậm chí phạm tội, giết người…

Thói quen sống “trên tiền”

Bạc Qua Qua trong khuôn viên trường Đại học Havard

“Rùa à mà đi chậm thế? Mọi người đang chờ, tôi nói cho ông biết, nếu 10 phút nữa không đến đây, tất cả chi phí tối nay ông chịu hết. Nhớ mang 2 chai Hennessy ở nhà đến cho mọi người thưởng thức”. 2h chiều, Quách Khiết đã bắt đầu thúc giục các khâu chuẩn bị cho bữa dạ tiệc bất ngờ để giới thiệu bạn gái mới quen. Khách mời - bạn bè của Quách Khiết, ngoài con cái một số nhân vật lừng lẫy trong ngành than, đều là con những thương nhân nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản, giải trí, dịch vụ... Phần lớn trong số đó đều học trường tư, nơi tổng các khoản chi phí chừng 2 triệu NDT/năm (6,6 tỷ VND).

Đang chỉ đạo việc tổ chức bữa tiệc, Quách Khiết chợt nhớ ra một việc quan trọng, liền gọi điện cho một bạn cùng lớp. “Sắp kiểm tra rồi, viết bài luận hộ mình nhé. Tuần này mình lên lớp có 3 tiết, nếu bài kiểm tra mà không đạt nữa thì năm nay chắc ông già cắt giảm tiền tiêu mất. Yên tâm đi, mình sẽ hậu tạ. Máy tính của cậu hỏng rồi chứ gì, để mình mua cái khác”. Việc học chỉ là thứ yếu, còn đua xe, đi vũ trường, đánh bạc, du lịch và uống rượu mới là toàn bộ cuộc sống của Quách Khiết. Chỉ riêng chi phí du lịch nước ngoài của anh ta đã tốn gần 100.000NDT mỗi năm. Học xa nhà, hàng tháng, Quách Khiết được chu cấp cố định 20.000NDT vào tài khoản ngân hàng. Đối với phần lớn sinh viên, 500NDT là thừa thãi cho chi tiêu một tháng, song với “thiếu gia” 22 tuổi này, số tiền 20.000NDT vẫn là chưa đủ. 

Khi vị khách cuối cùng yên vị, bữa tiệc bắt đầu. Những câu chuyện của nhóm thanh niên đó chỉ xoay quanh việc tuần qua thị trường thời trang thế giới có sản phẩm mới gì, tiêu hết bao nhiêu cho cuộc vui đêm trước... Để làm vui lòng cô bạn gái mới quen, Quách Khiết lớn tiếng tuyên bố ngày hôm sau sẽ gửi từ bên Pháp mua về cho cô chiếc ví LV mới thay cho chiếc ví Gucci mà cô bạn đang dùng. Đối với Quách Khiết, hàng hiệu là tượng trưng cho thân phận của một người. “Nhìn vào chiếc xe Audi, túi LV, áo Armani hay đồng hồ Hublot mà anh dùng, người ta sẽ biết anh đứng ở đẳng cấp nào. Có tiền thì nên hưởng thụ những khoái cảm mà tiền mang lại”, Quách Khiết đánh giá.

Bố Quách Khiết, Quách Xương hiện 56 tuổi, một đại gia trong ngành than từng trải qua cuộc sống khá bần hàn. Không muốn con cái phải trải qua tuổi trẻ khổ nhục như mình, ông sẵn sàng cho con tất cả, vô hình trung tạo nên một nhân cách lệch lạc ở con. Nhiều người cũng cực lực phản đối cách “yêu con” của Quách Xương, song ông nói có nhiều tiền nữa cũng sẽ để lại cho chúng, coi như bù đắp cho những năm tháng tuổi thơ thiếu thốn. 

Cuộc sống xa xỉ của Quách Khiết, nếu như so sánh với Dương Thạch, một “con nhà giàu” khác vẫn còn thua xa. Dương Thạch sống trong một biệt thự hơn 300m2 ở Mai Hà Khẩu, Cát Lâm. Bố là một đại gia trong ngành bất động sản, trước khi trở nên giàu có cũng từng là một con bạc khát nước có tiếng ở địa phương, chính vì vậy Dương Thạch cũng “tiếp nối sự nghiệp” của bố, việc xách cả va li tiền đi đánh bạc không có gì ngạc nhiên. Đám bạn mà Dương Thạch kết giao, trong đó có Quách Khiết đều ham mê đỏ đen. Có lần, cả nhóm lái xe đi Thượng Hải đánh bạc, một đêm thua hết hơn 10 triệu NDT. Chi tiêu mỗi năm của Dương Thạch là những con số “khủng”: 420.000 NDT sinh hoạt phí, 240.000NDT chăm sóc sức khỏe, 50.000NDT cho xe hơi, ngoài ra còn 200.000NDT tiền đi du lịch, 100.000NDT tiền vui chơi giải trí và 500.000NDT dành cho việc mua sắm áo quần. 

“Con quan” trở thành tội phạm

Đúng vào đêm tiết thanh minh, Lý Trọng Đình, con Phó Chủ tịch huyện Đan Thành, Hà Nam, đang làm việc trong viện kiểm sát huyện cùng nhóm bạn uống rượu đến nửa đêm. 1h ngày 5-4, Trọng Đình lúc đó đã say mèm cùng bạn tìm vào thị trấn kiếm đồ ăn đêm, đã xảy ra mâu thuẫn với 2 thanh niên khác. Máu côn đồ nổi lên, Trọng Đình lấy trong xe ra một khẩu súng ngắn bắn thẳng về phía hai người này, không ngờ đạn lạc trúng vào người bán hàng rong đứng gần đó. Người bán hàng được đưa vào bệnh viện cấp cứu, song tử vong sau đó 5 giờ vì vết thương quá nặng.

Mới đây, ngày 17-9-2011, vì bày tỏ tình yêu không thành với Chu Nham, một nữ sinh mới tròn 16 tuổi, Đào Nhữ Khôn, con 2 quan chức ở thành phố Hợp Phì, An Huy mang theo chai xăng đến nhà cô gái, nhân lúc Chu Nham không để ý, đã châm lửa đốt chai xăng ngay trên đầu cô gái để “thiêu sống”. Chu Nham được đưa đến bệnh viện, sau khi cấp cứu tích cực 7 ngày mới qua cơn nguy hiểm, tuy nhiên mặt, cổ, ngực biến dạng nghiêm trọng, cháy mất hẳn một bên tai. Bà Lý, mẹ Chu Nham cho biết, sau khi Chu Nham ra viện, bố Đào Nhữ Khôn có đến nhà, bắt vợ chồng bà ký vào một thỏa thuận, trong đó có ghi “Đào Nhữ Khôn đã tích cực cấp cứu và tự thú” sau khi xảy ra vụ việc - hoàn toàn trái với thực tế. Khi bà Lý không chịu ký, bố Đào Nhữ Khôn đã đe dọa, sau đó tuyên bố không thanh toán tiền. Vì bức xúc, vợ chồng bà Lý đã tố cáo ra cơ quan công an. Tháng 2-2012, cảnh sát khởi tố đối với Đào Nhữ Khôn để điều tra. Dù vậy, khi được bảo lãnh tại ngoại, Nhữ Khôn thậm chí còn lớn tiếng đe dọa “giết cả nhà” Chu Nham.

Trước đó, tháng 11-2010, vụ án Viên Thiện, “con quan” ở Thường Châu, Giang Tô lái xe đâm phải một thiếu niên 15 tuổi, không những không cấp cứu cho người bị nạn mà còn chèn xe qua khiến cậu bé tử vong cũng đã làm dư luận Trung Quốc phẫn nộ. Đáng sợ nhất là thái độ lạnh lùng của Viên Thiện khi đã làm chết người. Ngay sau đó, trên nhiều trang web của Trung Quốc đã xuất hiện diễn đàn bàn về đạo đức, nhân cách của những người được gọi là “con quan”.  

Theo Tiến sỹ Chu Hữu Chí, Viện trưởng Viện KHXH Hà Nam, sự trống rỗng về mặt tinh thần chính là nguyên nhân hình thành hiện tượng “con nhà giàu”, “con quan”, và cách giải quyết hiện tượng ấy, cơ bản phải giải quyết mặt tinh thần. Song để làm được việc này, chắc chắn phải mất nhiều thời gian, và điều khiến người ta lo ngại là, chỉ trong vòng hơn chục năm nữa, những “con nhà giàu”, “con quan” này sẽ là người kế thừa sự nghiệp của bố mẹ, nắm giữ trong tay tương lai của đất nước. “Trung Quốc sẽ đến đâu khi được đặt vào tay những người thiếu đạo đức, chạy theo giá trị thực dụng, vô cảm và ích kỷ như vậy?”, một cư dân mạng đặt câu hỏi.

“Báo cáo điều tra con nhà giàu Trung Quốc” mới được công bố cho thấy, trong tổng số 600 trường hợp con nhà giàu được hỏi, 59,3% có từ 2 xe riêng trở lên, trong đó chiếc rẻ nhất cũng phải 200.000NDT. 36,5% trong số đó sở hữu 2 căn nhà, riêng tiền tiêu vặt hàng tháng được bố mẹ chu cấp trung bình 100.000NDT. 74,7%  cho rằng hàng hiệu là tượng trưng cho thân phận của mình, nên việc dùng hàng hiệu là đương nhiên. 71,3% trong số này tiêu hết hơn 60.000NDT/năm cho việc tụ tập bạn bè, và nội dung chính của những cuộc vui đó là karaoke, sàn nhảy hoặc đánh bài. Đua xe cũng là một trong những thú vui của con nhà giàu, 36,9% cho biết họ từng tham gia đua xe. 65,4% thừa nhận thỉnh thoảng có đánh bạc, trong đó đáng nói nhất là có tới 93% kiên quyết khẳng định mình chưa từng tiếp xúc với ma túy, song 66% lại cho biết bạn mình từng “chơi” thứ chất kích thích này.