Cân bằng Đông - Tây

(ANTĐ) - Là một người được xem là có quan điểm gần gũi với Nga song tân Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych lại chọn Liên minh châu Âu (EU) là chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức.

Cân bằng Đông - Tây

(ANTĐ) - Là một người được xem là có quan điểm gần gũi với Nga song tân Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych lại chọn Liên minh châu Âu (EU) là chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (phải) mời tân Tổng thống Ukraine Yanukovych vào trụ sở EU
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (phải) mời tân Tổng thống Ukraine Yanukovych vào trụ sở EU

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của tân Tổng thống Yanukovych tới trụ sở EU tại Thủ đô Brussels của Vương quốc Bỉ ngày 1-3 khiến không ít người có phần ngạc nhiên. Bởi họ từng đinh ninh cho rằng điểm đến nước ngoài đầu tiên của ông lẽ ra là nước Nga, quốc gia mà ông có quan điểm gần gũi cũng như đã ủng hộ ông nhiều năm qua.

Xuất thân từ phần phía Đông nói tiếng Nga của Ukraine nên ông Yanukovych từ lâu đã không ngần ngại ủng hộ việc thắt chặt quan hệ với nước Nga bất chấp chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Viktor Yushchenko có quan điểm ngược lại. Khó có thể phủ nhận chủ trương tăng cường hợp tác với Nga vốn phù hợp với lợi ích của đất nước là một trong những nhân tố giúp ông Yanukovych thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri Ukraine tại cuộc bầu cử vừa qua.

Tuyên bố công khai ủng hộ ứng cử viên Yanukovych nên không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện chúc mừng thắng lợi của ông Yanukovych trong cuộc bầu cử vừa qua. Nhà lãnh đạo Nga cũng ngỏ ý mời tân Tổng thống Ukraine đến thăm trong thời gian sớm nhất có thể.

Vậy vì sao tân Tổng thống Yanukovych lại chọn phương Tây chứ không phải là nước Nga là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên? Thực ra nếu đặt vào địa vị Tổng thống mới của Ukraine cũng có thể hiểu được vì sao mà ông lại thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên về phía Tây chứ không phải là phía Đông.

Có thể nói cuộc "Cách mạng cam" cuối năm 2004 đã dẫn tới sự chia rẽ sâu sắc trong đất nước Ukraine. Trong khi phần phía Đông nói tiếng Nga chủ trương thắt chặt quan hệ với Matxcơva thì phía Tây lại muốn ngả sang phương Tây.

Dù thực tế cho thấy chính sách đối ngoại "hướng Tây" suốt 5 năm qua của chính quyền Tổng thống Yushchenko đã làm ảnh hưởng không ít tới lợi ích của đất nước Ukraine song không ít cử tri nước này vẫn muốn thúc đẩy quan hệ với phương Tây. Điều đó được minh chứng qua việc ứng cử viên thân phương Tây Yulia Tymoshenko vẫn được tới hơn 45% cử tri Ukraine ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai vừa qua.

Thế nên bên cạnh các chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế, chống tham nhũng... thì việc làm sao hàn gắn sự chia rẽ Đông-Tây trong đất nước cũng là một trong những ưu tiên cấp bách đối với tân Tổng thống Yanukovych. Phát biểu trong lễ nhậm chức Tổng thống ngày 25-2 vừa qua, ông Yanukovych đã khẳng định sẽ thực thi chính sách đối ngoại cân bằng giữa nước Nga ở phía Đông với các quốc gia châu Âu và Mỹ ở phía Tây vì mục tiêu cao nhất là lợi ích của dân tộc.

Bằng chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới trụ sở của EU, tân Tổng thống Ukraine muốn chứng tỏ bằng hành động rằng ông, dù có quan điểm gần gũi với nước Nga, song sẽ thực thi chính sách đối ngoại cân bằng Đông-Tây.

Hoàng Tuấn