Cấm CĐV Hải Phòng: Khái niệm bị đánh tráo và "lệ làng" của bầu Đệ

ANTD.VN - Rất nhiều bất cập trong lệnh cấm CĐV Hải Phòng tới sân khách cổ vũ hết mùa 2017, vừa được Ban Kỷ luật LĐBĐ Việt Nam (VFF) công bố ngày 24-6.

Cố ý đánh tráo khái niệm ?

Quyết định số 308/QĐ-LĐBĐVN do Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường ký, đóng dấu đỏ Ban chấp hành LĐBĐ Việt Nam có nội dung: "Cấm CĐV Hải Phòng vào các sân vận động của đội khách có tổ chức các trận thi đấu bóng đá thuộc các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2017 do có hành vi gây mất an ninh, an toàn trong trận Hà Nội - Hải Phòng vòng 14, ngày 24-6-2017 trên sân Mỹ Đình".

Án phạt này được Ban Kỷ luật đưa ra dựa trên 2 điều luật trong Quy định về kỷ luật của LĐBĐ Việt Nam là khoản 11 Điều 3 và khoản 1 Điều 71. Theo đó, CĐV là tất cả những người ủng hộ đội bóng và người vi phạm là CĐV vi phạm khoản 1, 2 Điều 49 sẽ bị cấm vào sân vận động có thời hạn hoặc vĩnh viễn. 

Quyết định kỷ luật CĐV Hải Phòng của Ban Kỷ luật VFF

Ở đây có hai điều đáng bàn.

Thứ nhất, vi phạm của CĐV Hải Phòng được chiếu theo khoản 1,2 Điều 49 - Phân biệt, hiểu tóm tắt đó là do có hành vi, lời lẽ phỉ báng hoặc thái độ khinh thường người khác (khoản 1) và trưng biểu ngữ có lời lẽ phân biệt, cố ý hay vô ý vi phạm khoản 1 Điều này.

Việc CĐV Hải Phòng chửi tục và chăng băng-rôn hàm ý miệt thị đội chủ nhà Hà Nội là điều những ai có mặt trên sân Mỹ Đình đều đã chứng kiến và được thể hiện trong báo cáo giám sát gửi về BTC giải. Như vậy, Ban Kỷ luật VFF viện các điều khoản trên để xử lý CĐV Hải Phòng là đúng, nhưng chưa đủ. Bởi không có điều khoản nào trong đó đề cập tới việc xử lý CĐV Hải Phòng đốt hàng chục quả pháo sáng. Vì đây mới là vi phạm nghiêm trọng nhất của nhóm CĐV này và phù hợp lập luận khi Ban Kỷ luật VFF đưa ra án phạt, đó là "do có hành vi gây mất an ninh, an toàn trận đấu".

Thứ hai, việc quy định "cấm CĐV Hải Phòng đến sân khách cổ vũ" là hết sức chung chung và thiếu công bằng, minh bạch. CĐV ở đây, nếu chiếu theo cách giải thích từ ngữ trong Quy định về kỷ luật của VFF là "tất cả những người ủng hộ đội bóng". Vậy với lệnh cấm này, có thể hiểu bất cứ ai ủng hộ đội Hải Phòng đều không được phép đến sân khách xem đội này thi đấu từ nay tới hết mùa 2017.

Điều này là phi lý, vi phạm quyền chính đáng của công dân là được theo dõi thể thao, giải trí trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Chưa kể, vi phạm đến từ một nhóm CĐV quá khích, không đại diện cho hơn 2.000 CĐV Hải Phòng trên sân Mỹ Đình tối 24-6 và càng không thể đại diện cho tất cả những người ủng hộ đội Hải Phòng.

Nói cách khác, khái niệm cổ động viên Hải Phòng trong vụ vi phạm trên sân Mỹ Đình đã bị "đánh tráo". Và từ chỗ không thể xác định được chính xác thủ phạm (cá nhân, nhóm người) có lời lẽ, băng-rôn miệt thị và đốt pháo sáng, Ban Kỷ luật tự cho mình quyền áp đặt luôn một lệnh cấm chung nhằm vào tất cả những người ủng hộ đội Hải Phòng.

Lệnh cấm bất hợp lý, thiếu khả thi của VFF không giải quyết gốc rễ nạn đốt pháo sáng

Ngăn nạn pháo sáng và chuyện bầu Đệ áp "lệ làng"

Không thể phủ nhận hành vi đốt pháo sáng của nhóm CĐV quá khích Hải Phòng là sai trái. Tuy nhiên, một lệnh cấm bất hợp lý, không khả thi đến từ Ban Kỷ luật VFF không những không xử lý được gốc vấn đề mà còn gây bức xúc cho những người ủng hộ đội Hải Phòng và người hâm mộ cả nước nói chung.

Mùa 2013, trước một trận đấu đón tiếp Hải Phòng, lường trước nguy cơ CĐV đội này có thể mang pháo sáng vào sân đốt, "bầu" Nguyễn Văn Đệ của Thanh Hóa khi đó đã áp quy định vô tiền khoáng hậu, đó là thưởng tiền 20 triệu đồng cho ai tố giác người đốt pháo sáng trên khán đài. Kết quả là trận đấu diễn ra trong an toàn, số pháo sáng mà CĐV Hải Phòng mang theo sau đó chỉ có thể đốt ở ngoài sân.

Quy định "bầu" Đệ đặt ra, tuy đậm chất "lệ làng" nhưng lại có hiệu quả tức thì.

Còn ở vụ việc lần này, trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, Giám đốc điều hành CLB SLNA Hồ Văn Chiêm cho rằng VFF đưa ra lệnh cấm như thế là không ổn.

Theo ông Chiêm, muốn ngăn chặn CĐV mang pháo sáng vào sân đốt thì quan trọng nhất là khâu kiểm soát phải chặt chẽ. "Giả sử như khán giả Hải Phòng có tiếng là hay đốt pháo sáng, khi đến sân Vinh, chúng tôi sẽ kiểm tra nghiêm ngặt. Có nhân viên an ninh nữ để kiểm tra với CĐV là nữ. Thậm chí đối với các thành viên đi theo phục vụ đội bóng như nhân viên y tế, chăm sóc viên... cũng phải kiểm tra nghiêm ngặt, tránh tối đa nguy cơ mang pháo sáng, vật cháy nổ, vật thể lạ vào sân để tiếp tay cho gây rối", ông Chiêm nói.

Theo Giám đốc điều hành đội bóng xứ Nghệ, việc cấm gây rối, đốt pháo sáng... vốn là quy định chung của tất cả các sân bóng V-League. "Anh đến sân xem bóng đá bắt buộc phải chấp hành nội quy đó, nếu vi phạm, bị phát hiện sẽ chịu phạt, chế tài theo quy định", ông Chiêm nói.

Điều 3 - Giải thích từ ngữ:

Khoản 11: Cổ động viên của một CLB, đội bóng: Là tất cả những người ủng hộ đội bóng, bao gồm: Hội cổ động viên được thành lập hợp pháp; người ngồi trong khu vực dành riêng cho cổ động viên đội bóng trên khán đài sân vận động trong một trận đấu được BTC trận đấu sắp xếp, trừ trường hợp có thể chứng minh ngược lại.

Điều 71. Vi phạm của Cổ động viên, Hội Cổ động viên:

Hội Cổ động viên, Cổ động viên nào vi phạm như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 49 của Quy định này; vi phạm kỷ luật, gây rối làm mất trật tự công cộng, gây mất an ninh, an toàn trước, trong và sau trận đấu, làm xấu hình ảnh bóng đá Việt Nam và làm ảnh hưởng đến chuyên môn trận đấu thì:

Khoản 1. Nếu người vi phạm là Cổ động viên, thì có thể bị cấm vào sân vận động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Điều 49. Phân biệt 

Khoản 1. Người nào có hành vi, cử chỉ, lời nói phân biệt, gièm pha, phỉ báng hoặc có thái độ khinh thường người khác về chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc dân tộc thì bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất 05 trận ở mọi cấp độ, đồng thời bị cấm vào sân vận động có thời hạn hoặc vĩnh viễn và bị phạt tiền tối thiểu 10.000.000 đồng. Nếu người vi phạm là quan chức, mức phạt tiền tối thiểu là 20.000.000 đồng.

Khoản 2. Nếu khán giả trưng biểu ngữ có lời lẽ phân biệt, cố ý hay vô ý vi phạm như quy định tại khoản 1 Điều này, CLB, đội bóng có khán giả đó sẽ bị phạt tiền tối thiểu 20.000.000 đồng. Nếu tái phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng, CLB, đội bóng sẽ phải thi đấu trận tiếp theo trên sân không có khán giả, sân trung gian hoặc có thể bị trừ điểm. Nếu không thể xác định khán giả là cổ động viên của CLB, đội bóng nào thì CLB tổ chức trận đấu đó sẽ bị phạt.

(Trích Quy định về kỷ luật của VFF)