Cairo chấm dứt những cuồng nộ
(ANTĐ) - 18 ngày cuồng nộ của những biển người biểu tình và sự kiện Tổng thống Ai Cập Mubarak từ chức có thể được xem là sự kiện nóng hổi nhất, kết cục bất ngờ nhất tuần này.
Sự hoan hỉ và cả pháo hoa trên đường phố Cairo sau 18 ngày biểu tình căng thẳng |
Phó Tổng thống Ai Cập, ông Suleiman chiều 11-2 tuyên bố do những điều kiện khó khăn mà đất nước đang trải qua, Tổng thống Mubarak đã quyết định rời khỏi chức vụ Tổng thống và trao quyền quản lý các công việc của đất nước cho hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang. Trước đó, Tổng thống Mubarak và gia đình đã rời Thủ đô Cairo từ một căn cứ không quân ở ngoại ô tới Charm El-Sheikh, bên bờ Biển Đỏ, nơi ông Mubarak có một dinh thự riêng.
Những đám đông cuồng nộ ở Thủ đô Cairo và nhiều thành phố lớn của quốc gia Ả Rập đông dân nhất, có những trạng thái đảo ngược trong ngày 11-2. Nếu buổi sáng và buổi chiều căng thẳng, giận dữ, cuồng nộ đến cực độ, thậm chí hàng nghìn người tràn đến Phủ Tổng thống, Quốc hội và Đài truyền hình quốc gia, thì tới chiều tối biển người vỡ òa khi hay tin ông Mubarak từ chức. Hàng trăm nghìn người biểu tình tại quảng trường Tahrir bày tỏ niềm vui, sự xúc động trước thông tin này.
Một phóng viên nước ngoài tại Cairo nhận xét rằng, thông báo của Phó Tổng thống Suleiman khiến mọi người hết sức bất ngờ, nhưng việc quân đội tiếp quản giống như một cuộc đảo chính quân sự. "Hiến pháp đã bị vi phạm," phóng viên này nói, "vì về mặt chính thức thì Chủ tịch Quốc hội phải tiếp quản quyền lực chứ không phải lãnh đạo quân đội".
Khép lại 3 thập niên cầm quyền, ông Mubarak ra đi không trong ánh hào quang mà giữa những cuồng nộ của đám đông biểu tình. Trước đó, sự kiện Tổng thống Tunisia bị lật đổ tháng 12-2010 đã cho thấy nguy cơ bất ổn tại một số quốc gia Ảrập nếu chính quyền không nhanh chóng khắc phục các căn bệnh kinh tế có khả năng bùng phát.
Nếu như cuộc nổi loạn ở Tunisia được gọi là cách mạng hoa nhài - loài hoa biểu tượng cho ngành du lịch Tunisia; thì những cuồng nộ từ Cairo được xem như hiệu ứng lan truyền khi lòng dân không yên thì quyền lực tối cao lay chuyển.
Quân đội Ai Cập cho biết sẽ đảm bảo rằng Tổng thống Mubarak thực hiện lời hứa sửa đổi Hiến pháp và cam kết tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống công bằng vào tháng 9-2011 tới. Khó có thể nói trước được điều gì, nhưng ít ra sự ra đi của ông Mubarak tạm chấm dứt những cuồng nộ ở Cairo. Một Ai Cập sớm đi vào ổn định sẽ có lợi hơn cho cộng đồng quốc tế.
Tô Trung Phan