"Cái chết thầm lặng" của người bạch tạng ở Tanzania

ANTD.VN - Những người bạch tạng ở Tanzania luôn phải sống trong sợ hãi. Đó là nỗi sợ bị các thầy phù thủy “săn” để lấy bộ phận cơ thể phục vụ nghi lễ hay “làm thuốc”. Bên cạnh đó còn là nỗi sợ khi phải ra ngoài trời dưới cái nắng của lục địa đen châu Phi.

"Cái chết thầm lặng" của người bạch tạng ở Tanzania ảnh 1Sau ánh đèn sân khấu, cuộc sống của ca sĩ bạch tạng Sixmond Mdeka phải đối mặt với nhiều khó khăn

90% không “thọ” đến 40 tuổi

Giọng hát của Sixmond Mdeka - một ca sĩ người Tanzania được khá nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, sau ánh đèn sân khấu, cuộc sống của Sixmond Mdeka cũng giống như những người bạch tạng khác phải đối mặt với nhiều khó khăn.

“Ánh nắng mặt trời là kẻ thù số 1 của chúng tôi. Tôi mắc ung thư da sớm. Từ khi còn nhỏ, tôi đi ra đường hàng ngày dưới cái nắng chói chang mà không có gì bảo vệ da”, ca sĩ Mdeka nói. Tháng 9 năm ngoái, Mdeka đã phải phẫu thuật để loại bỏ khối u ác tính gần tai trái tại Bệnh viện Đa khoa Kilimanjaro ở Moshi. Đây là bệnh viện chuyên khoa duy nhất điều trị ung thư ở Tanzania.

Người bạch tạng là một trong những vấn đề nóng nhất ở Tanzania hiện nay. Các phù thủy săn tìm người bạch tạng để lấy bộ phận cơ thể phục vụ nghi lễ, cầu mong mang lại may mắn và giàu có hoặc chế tạo thuốc. Nạn nhân có thể bị bắt cóc, sau đó bị những kẻ giết người thuê sát hại, cắt lấy các bộ phận cơ thể.

Trong nhiều trường hợp, người bạch tạng bị chính những người thân trong gia đình bán để kiếm tiền. Những bộ phận cơ thể người bạch tạng được bán với nhiều mức giá khác nhau, cao nhất có thể lên đến 75.000  USD. Theo thống kê của Liên hợp quốc, khoảng 80 người bị bạch tạng ở Tanzania đã bị sát hại từ năm 2000 đến nay.

Tuy nhiên, những cuộc tấn công tàn bạo này không phải là mối đe dọa lớn nhất đối với người bạch tạng ở châu Phi nói chung, Tanzania nói riêng. Họ phải đối mặt với cái chết từ từ bởi căn bệnh ung thư da - hay còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Nếu không có melanin, những người bạch tạng có nguy cơ cao mắc ung thư da. Bởi thế, ước tính, hơn 90% người bạch tạng ở châu Phi chết trước khi 40 tuổi. 

 Cho tắm nắng để chữa bạch tạng?

Theo thống kê  chưa đầy đủ, tỷ lệ người bị bạch tạng ở Tanzania khá cao, cứ 5.000 người, có 1 người bị bạch tạng. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ là 1/ 17.000 - 20.000 người. Vào năm 2012, “Kilimanjaro Suncare” hay còn được gọi là “Kilisun” - một loại kem chống nắng do dược sĩ Mafalda Soto Valdes (người Tây Ban Nha) phối hợp với Trung tâm Da liễu Tanzania sản xuất riêng cho người bạch tạng đã ra đời. Tuy nhiên, để sản phẩm này đến được với người bạch tạng và khuyến khích họ sử dụng là việc làm không hề đơn giản.

Hiện nay, Kilisun được cung cấp miễn phí cho 2.800 người tại các phòng khám, hơn 1/2 số này là trẻ em. Ông Soto Valdes cho biết, trong năm 2016, 15.000 lọ Kilisun đã được sản xuất.

“Kilisun được sản xuất với thành phần đặc biệt, có độ SPF 30+ và người  bạch tạng phải bôi thuốc lên da hai lần/ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng kem chống nắng thường xuyên vượt quá khả năng của hầu hết người dân Tanzania. 80% dân số ở quốc gia này sống với khoản thu nhập chưa đến 1,5 USD/ngày. Trong khi đó, trung bình, giá mỗi tuýp kem chống nắng là khoảng 10 USD, loại đặc biệt là 20 USD”, dược sĩ Soto Valdes nói.

Peter Ash, một người Canada chuyên hoạt động từ thiện giúp đỡ người bạch tạng ở Tazania nói rằng, vấn đề rất đáng lo ngại là cha mẹ, người thân cũng không biết tầm quan trọng của việc bảo vệ da cho người bạch tạng, đơn giản chỉ là đội mũ, đeo kính mắt, mặc quần áo dài và sử dụng kem chống nắng.

“Chúng tôi thực sự sốc khi một số người cho rằng, phải tăng cường cho người bạch tạng ra nắng để “nhuộm da” thành màu sẫm. Những tổn thương da dưới tác động của ánh nắng mặt trời thực chất là sự tiến triển của bệnh ung thư da”, ông Peter Ash nói. Các chuyên gia của Kilisun cho biết, ngoài việc đưa kem chống nắng đến với người bạch tạng, việc nâng cao nhận thức cho người dân cũng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.