Các quốc gia gấp rút đưa ra biện pháp phòng ngừa rủi ro tài chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự “sụp đổ” liên tiếp của 2 ngân hàng lớn tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank đang làm dấy lên lo ngại về tác động đối với thị trường tài chính toàn cầu. Để ứng phó, nhiều nước trên thế giới gấp rút đưa ra các biện pháp phòng ngừa rủi ro, siết chặt quản lý hệ thống ngân hàng.

Cảnh báo tâm lý tiêu cực gây hỗn loạn thị trường tài chính

Tại Hàn Quốc, giới chức quản lý tài chính đã triệu tập một cuộc họp cấp chuyên viên, thảo luận các biện pháp cải thiện năng lực tài chính nhằm giảm thiểu những thiệt hại tiềm tàng từ các cuộc khủng hoảng. Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính (FSC) Kim So-young nêu rõ, tác động của việc các ngân hàng Mỹ phá sản đối với thị trường tài chính Hàn Quốc là khá hạn chế. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý sẽ theo dõi những diễn biến trên thị trường và nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định tài chính.

Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ công bố đánh giá vụ Ngân hàng SVB “sụp đổ” vào ngày 1-5 tới

Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ công bố đánh giá vụ Ngân hàng SVB “sụp đổ” vào ngày 1-5 tới

Quan chức này đồng thời nhấn mạnh, hiện là thời điểm cần phải củng cố nền tảng vững chắc của các tổ chức tài chính, đồng thời thúc đẩy các biện pháp mở rộng cơ sở vốn và tăng cường khả năng đối phó với thua lỗ. Các biện pháp khả thi đang được xem xét bao gồm việc tăng vốn cổ phần của các ngân hàng trong nước, giúp các thể chế này giảm thiểu những tổn thất có thể xảy ra do các cuộc khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, hệ thống dự phòng rủi ro cho vay hiện tại của các ngân hàng trong nước cũng sẽ được cải tổ, có thể bao gồm các điều khoản dự phòng tổn thất đặc biệt.

Nhận định sự sụp đổ của các ngân hàng ở Mỹ không tác động trực tiếp đến ngành ngân hàng của Indonesia nhưng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) Perry Warjiyo cảnh báo tâm lý thị trường tiêu cực đã gây hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu, kích hoạt dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi các nước đang phát triển, gây áp lực đối với tỷ giá hối đoái ở nhiều nước, trong đó có Indonesia. Vì thế, BI sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường bằng cách ổn định tỷ giá hối đoái của đồng rupiah, can thiệp và phối hợp với Bộ Tài chính, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Indonesia để đảm bảo rằng mọi thứ đều được kiểm soát.

Trong khi đó, Chính phủ Anh đã đưa ra một kế hoạch dự phòng để hỗ trợ các công ty có tiền gửi bị mắc kẹt trong các ngân hàng có rủi ro cao. Kế hoạch này sẽ được giám sát bởi Ngân hàng Doanh nghiệp Anh do nhà nước hậu thuẫn. Theo đó, Chính phủ sẽ bảo lãnh cho các ngân hàng cung cấp các khoản vay mới cho các công ty có tiền bị khóa trong SVB. Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA) đã trao đổi với các ngân hàng về việc tham gia chương trình này và các ngân hàng có thể nhanh chóng tiếp nhận khách hàng mà không cần thực hiện các quy tắc thông thường về thẩm định vì những khách hàng đó đã vượt qua các quy trình giới thiệu trước đó của SVB mà FCA đã xem xét và không tìm thấy bất kỳ vấn đề nào.

Tại Trung Quốc, tờ Securities Times của nước này trong một bài xã luận đăng hôm 15-3 cho hay, sự sụp đổ của SVB sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia nhưng mang đến một bài học quan trọng đối với sự phát triển của nhóm ngân hàng cho vay quy mô vừa và nhỏ, cũng như sự ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc. Tờ báo nhấn mạnh, ngành tài chính Trung Quốc cần nghiêm túc rút ra bài học từ sự kiện trên và luôn ưu tiên phòng ngừa, kiểm soát rủi ro.

Liên doanh Trung Quốc của SVB đã tìm cách trấn an khách hàng và nhà đầu tư. Liên doanh cho rằng họ có một cơ cấu công ty lành mạnh và bảng cân đối kế toán hoạt động độc lập với SVB. Ngoài ra, theo tờ Securities Times, Trung Quốc đã và đang “vá lại” các lỗ hổng pháp lý. Trong động thái mới nhất, Chính phủ Trung Quốc hồi tuần trước cho biết sẽ thành lập một cơ quan quản lý tài chính quốc gia mới để củng cố việc giám sát ngành.

Các cổ đông làm đơn tập thể kiện SVB Financial

Với công chúng Mỹ là đối tượng chịu tác động tâm lý lớn nhất từ vụ sụp đổ của Ngân hàng SVB, chính quyền gấp rút có biện pháp trấn an. Ngày 16-3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn “khỏe mạnh” sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). Trong bài phát biểu trước Ủy ban Tài chính Thượng viện, bà Yellen cho biết, Bộ Tài chính đã làm việc với Cục Dự trữ liên bang (Fed) và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) để bảo vệ tất cả những người gửi tiền của các ngân hàng và thiết lập một cơ sở mới để cho phép các ngân hàng tiếp cận các quỹ khẩn cấp. Theo bà Yellen, người Mỹ có thể tin tưởng rằng tiền gửi của họ sẽ ở đó khi cần thiết nhờ các hành động mang tính “quyết định và mạnh mẽ” sau khi SVB bị làn sóng rút tiền hàng loạt “quật ngã”.

Sau khi SVB sụp đổ, Fed, Bộ Tài chính Mỹ và FDIC đã phải đứng ra cam kết bảo vệ quyền lợi của tất cả người gửi tiền và hỗ trợ các ngân hàng khó khăn về tiền mặt, theo đó nới lỏng điều kiện cung cấp các khoản vay ngắn hạn. Các cơ quan trên cho biết, nhà chức trách đang “hành động quyết liệt” để bảo vệ nền kinh tế Mỹ thông qua việc củng cố lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed, các diễn biến xung quanh vụ SVB sụp đổ đòi hỏi Fed phải xem xét kỹ lưỡng, minh bạch và nhanh chóng. Công tác đánh giá sẽ do ông Michael Barr - Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed chỉ đạo và mọi kết luận sẽ được công bố vào ngày 1-5 tới.

Trong diễn biến mới nhất, SVB Financial - công ty mẹ của SVB thông báo, tập đoàn này đang lên kế hoạch về chiến lược tái cơ cấu hoạt động kinh doanh tại cả chính SVB Financial và hai công ty con còn lại là SVB Capital và SVB Securities. SVB Financial đã thành lập một ủy ban tái cơ cấu với 5 thành viên, trong đó đứng đầu là ông William Kosturos. Ông Kosturos trước đó là Giám đốc phụ trách tái cơ cấu Ngân hàng Washington Mutual - từng sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi đang là ngân hàng tiết kiệm và cho vay lớn nhất nước Mỹ.

Mặc dù vậy, các cổ đông đã làm đơn tập thể kiện SVB Financial cùng Tổng giám đốc Greg Becker và Giám đốc Tài chính Daniel Beck vì cho rằng công ty không công bố rủi ro khi lãi suất tăng, khiến họ trở tay không kịp do ngân hàng “sụp đổ” sau khi khách hàng ồ ạt rút tiền. Đơn kiện Công ty SVB Financial Group và hai cá nhân trên được đại diện cổ đông là ông Chandra Vanipenta nộp lên Tòa án Liên bang ở Bắc California, đòi bồi thường cho những người đầu tư vào SVB từ ngày 16-6-2021 đến 10-3-2023, nhưng không nói rõ yêu cầu bồi thường bao nhiêu.

Trong đơn, họ cáo buộc SVB không đưa đầy đủ những cảnh báo từ Fed về việc tăng lãi suất vào các báo cáo tài chính hàng quý và hàng năm. Cụ thể, các cổ đông cho biết, báo cáo thường niên từ năm 2020-2022 đã “đánh giá thấp rủi ro cho công ty vì không công bố việc Fed tăng lãi suất có thể gây thiệt hại không thể sửa chữa cho công ty”. Ngoài ra, công ty cũng “không công bố rằng nếu những khoản đầu tư của họ bị ảnh hưởng tiêu cực do lãi suất tăng, rất có thể khách hàng sẽ đổ xô tới rút tiền”.

Các chuyên gia cho rằng, việc hai ngân hàng ở Mỹ “sụp đổ” ít nhiều cũng sẽ tác động tới thị trường tài chính các nước trên thế giới. Nhưng nếu hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia nào kiểm soát tốt, đặc biệt là tuân thủ quản trị thì những rủi ro về trái phiếu, nợ xấu hay phá sản ngân hàng đều giảm tốc.