Các nước tăng cường an ninh sau vụ tấn công khủng bố ở Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều quốc gia trên thế giới đã đồng loạt thắtchặt an ninh, nâng mức cảnh báo sau vụ tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus ở Thủ đô Mátxcơva, Nga, nhằm đảm bảo an toàn trong bối cảnh chuẩn bị đón Lễ Phục sinh sắp tới.
An ninh ở Đức đã đượctăng cường sau vụ tấn công khủng bố ở Nga

An ninh ở Đức đã đượctăng cường sau vụ tấn công khủng bố ở Nga

Cảnh báo an ninh được nâng lên mức tối đa

Italy đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất, an ninh trong nước đã được siết chặt. Bộ Nội vụ Italy yêu cầu lực lượng cảnh sát tăng cường hoạt động giám sát trong Lễ Phục sinh, nhất là những nơi tập trung đông người như nhà ga, sân bay, các địa điểm văn hóa, tôn giáo. Theo khảo sát của Hiệp hội Du lịch và Khách sạn Federalberghi của Italy, ít nhất 10,5 triệu người Italy dự kiến sẽ đi du lịch trong dịp Lễ Phục sinh từ ngày 29-3 đến 1-4. Nhiều du khách nước ngoài dự kiến cũng sẽ đến Italy trong thời gian này, ước tính khoảng 3,3 triệu người. Lực lượng an ninh và tình báo Italy có nhiệm vụ giám sát thận trọng các hoạt động trên mạng Internet nhằm phát hiện sớm bất kỳ nguy cơ rủi ro nào.

Các biện pháp tương tự cũng được áp dụng tại Pháp. Thủ tướng Gabriel Attal đã quyết định nâng cảnh báo khủng bố theo kế hoạch an ninh quốc gia “Vigipirate” lên mức cao nhất là “tấn công khẩn cấp”. Quyết định này được đưa ra chỉ vài tháng trước khi diễn ra Olympic Paris 2024 vào tháng 7 tới. 4.000 binh sĩ đã được tăng cường thêm trong khuôn khổ chiến dịch Sentinelle, nâng tổng quân số lên 7.000 người để gia tăng hoạt động tuần tra trên toàn nước Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định nhóm khủng bố tấn công nhà hát ở Nga từng một số lần nhắm vào Pháp. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho biết, lực lượng đặc biệt Pháp đã phát hiện và ngăn chặn hai âm mưu khủng bố kể từ đầu năm 2024 với lần gần nhất là ngay đầu tháng 3-2024.

Tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết, nhóm khủng bố nhận trách nhiệm gây ra vụ khủng bố tại Nga là chi nhánh Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiện cũng là “mối đe dọa Hồi giáo” lớn nhất đối với Đức. Tuy nhiên, Đức đã duy trì an ninh ở cấp độ cao kể từ sau xung đột Israel - Hamas nổ ra đầu tháng 10-2023, nhất là khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là sẽ diễn ra Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2024) được tổ chức tại nhiều thành phố của Đức.

Trong khi đó, nhà chức trách Tây Ban Nha tiếp tục duy trì cảnh báo khủng bố ở cấp độ 4/5. Đáng chú ý, ngay trước khi xảy ra vụ khủng bố tại Nga, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã cho tăng cường các biện pháp an ninh để chuẩn bị đón lễ Phục sinh vào tuần tới khi hàng triệu người có thể di chuyển để gặp người thân hoặc tham gia các buổi lễ cầu nguyện lớn.

Tại Đan Mạch, cảnh báo an ninh cũng được nâng lên mức tối đa. Trong khi đó, mức độ đe dọa tại Anh hiện được đánh giá là trung bình, mức cao thứ ba trong hệ thống gồm 5 cấp. Còn tại Thụy Sĩ, Cơ quan tình báo nước này cho biết đã duy trì cảnh báo nguy cơ khủng bố cao trong một thời gian dài và đặc biệt tập trung chú ý đến những cá nhân sống đơn lẻ, có tư tưởng ủng hộ hoặc bị lôi kéo bởi Hồi giáo thánh chiến. Về phần mình, Bỉ duy trì mức độ đe dọa khủng bố ở mức 3 trên 4, tức là có thể xảy ra nguy cơ khủng bố cao.

Với Kyrgyzstan, nước nằm ở Trung Á về phía Nam của Nga, các biện pháp an ninh đã được tăng cường tại các trung tâm mua sắm ở Thủ đô Bishkek. Thứ trưởng Nội vụ Kyrgyzstan, ông Nurbek Abdiev đã chủ trì cuộc họp với chủ sở hữu và quản lý các trung tâm mua sắm và khu phức hợp giải trí, cũng như đại diện của các công ty an ninh tư nhân. Ông kêu gọi thắt chặt an ninh, lắp đặt hệ thống báo động, tuyển dụng và kiểm tra kỹ lưỡng nhân viên an ninh, đồng thời rà soát các địa điểm để phát hiện kịp thời thiết bị nổ hoặc vật thể khả nghi. Cuộc họp cũng thảo luận các biện pháp ngăn chặn tội phạm sử dụng vũ khí ở nơi đông người. Thứ trưởng Abdiev kêu gọi người dân cảnh giác và cùng hợp tác để đảm bảo an toàn chung.

Cần hợp tác quốc tế toàn diện trong cuộc chiến chống khủng bố

Ngày 25-3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu cho rằng, hợp tác quốc tế là điều cần thiết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Ông Peskov nêu rõ cuộc chiến chống khủng bố là tiến trình liên tục cần hợp tác quốc tế toàn diện nhưng hiện nay hợp tác không được thực hiện đầy đủ hoặc không được thực hiện. Theo ông Peskov, tiến trình đối thoại về vấn đề này đang bị gián đoạn vì các căng thẳng ngày càng leo thang trên toàn cầu. Hiện Nga không có liên lạc gì với phương Tây liên quan cuộc điều tra về vụ tấn công khủng bố này.

Sau vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus, nhiều quan chức Nga đã kêu gọi tái áp dụng án tử hình. Người đứng đầu đảng Nước Nga Thống nhất tại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Vasilyev cho biết, vấn đề trên sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng. Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Hạ viện Nga Yury Afonin cũng cho rằng, cần khôi phục án tử hình đối với những trường hợp liên quan chủ nghĩa khủng bố và giết người. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng cho rằng, những kẻ thực hiện tấn công khủng bố cần vĩnh viễn bị loại bỏ ra khỏi cuộc sống. Tuy nhiên, theo Chánh án Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga Valery Zorkin, việc áp dụng lại án phạt tử hình ở Nga chỉ có thể thực hiện được thông qua việc sửa đổi Hiến pháp.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon đã lên án vụ tấn công nhà hát Crocus ở Mátxcơva. Ông Rahmon tuyên bố: “Những kẻ khủng bố không có quốc tịch, không quê hương và không tôn giáo”, đồng thời cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý “tăng cường” các nỗ lực chống khủng bố chung. Trả lời câu hỏi tại cuộc họp ở Brussels về khả năng hợp tác Liên minh châu Âu (EU) - Nga trong cuộc chiến chống khủng bố sau vụ xả súng ở Mátxcơva, Người phát ngôn chính của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Peter Stano khẳng định, EU dứt khoát lên án những gì xảy ra ở Mátxcơva. Theo quan điểm của EU, đây chắc chắn là một cuộc tấn công khủng bố. Ông Stano nhấn mạnh nếu Nga đưa ra đề xuất đáng tin cậy dựa trên những căn cứ hợp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế, rất có thể EU sẽ không từ chối hợp tác cùng Nga để chống khủng bố.

Còn ông Zhu Yongbiao, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Vành đai và Con đường tại Đại học Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc cho biết: “Chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa chung đối với tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế và không một quốc gia đơn lẻ nào có thể một mình giải quyết hiệu quả thách thức toàn cầu này. Sự hợp tác giữa tất cả các quốc gia là cách tiếp cận khả thi duy nhất. Đối mặt với những hạn chế trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, Nga có thể tìm cách thúc đẩy chương trình hợp tác chống khủng bố thông qua cam kết với các quốc gia và tổ chức quốc tế liên quan vì nước này sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh BRICS và các sự kiện quốc tế khác trong năm nay”.