Các nước gấp rút sơ tán công dân khỏi 'chảo lửa' xung đột Sudan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Phương Tây và các quốc gia khác gấp rút sơ tán các nhà ngoại giao và gia đình của họ khỏi Khartoum, khi các cuộc giao tranh nổ ra ở trung tâm Thủ đô của Sudan và ở thành phố Omdurman.

Vào ngày 23-4, Vương quốc Anh đã sơ tán thành công các nhân viên ngoại giao và gia đình của họ khỏi Khartoum thông qua một chiến dịch phức tạp mà các quan chức gọi là “hoàn cảnh rất khó khăn”.

Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết: “Vương quốc Anh đã tiến hành một chiến dịch quân sự để sơ tán nhân viên Đại sứ quán Anh khỏi Khartoum do bạo lực leo thang và những mối đe dọa đối với các nhà ngoại giao nước ngoài và tài sản của Đại sứ quán”.

“Chúng tôi cảm ơn các lực lượng vũ trang vì sự dũng cảm của họ khi tiến hành chiến dịch phức tạp này trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn… Sự an toàn của tất cả công dân Anh ở Sudan tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, phát ngôn viên này nói.

Trước đó, Mỹ đã sơ tán các nhà ngoại giao, nhân viên Đại sứ quán và gia đình của họ khỏi Khartoum vào tối 22-4-2023. Washington đã điều trực thăng Chinook chở lực lượng đặc biệt để sơ tán khoảng 70 người Mỹ từ bãi đáp tại Đại sứ quán đến một địa điểm không được tiết lộ ở Ethiopia, theo các quan chức Mỹ.

Vào tối 23-4, Đức và Pháp cho biết mỗi nước đã sơ tán hơn 100 người. Quân đội Đức nói rằng, chuyến bay đầu tiên trong số 3 chiếc Airbus A400M chở người sơ tán đã “hạ cánh an toàn ở Jordan” vào khoảng nửa đêm 23-4 (theo giờ địa phương). Trong khi đó, chuyến bay đầu tiên của Pháp hạ cánh ở Djibouti, theo một nguồn tin của hãng AFP, sau khi các quan chức Pháp gọi đây là một chiến dịch giải cứu “phức tạp”. Một chuyến bay khác của Pháp đang trên đường đến, các quan chức cho biết thêm.

Một phát ngôn viên của quân đội Đức cho biết máy bay của Đức đang chở công dân Đức và công dân của các quốc gia khác. Các thông tin từ Khartoum cho rằng nỗ lực sơ tán đầu tiên của các nhà ngoại giao Pháp đã thất bại khi một đoàn xe bị bắn, với một số hành khách bị thương.

Tây Ban Nha và Canada cũng sơ tán công dân của họ. Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, nói rằng các hoạt động của nước này ở Sudan đã tạm thời bị đình chỉ. “Các nhà ngoại giao của chúng tôi an toàn - họ đã được giải cứu và đang làm việc ở nước ngoài”, ông viết trên Twitter.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha cho biết: “Các máy bay của Không quân Tây Ban Nha vừa cất cánh từ Khartoum chở theo các công dân và nhà ngoại giao của chúng tôi. Các công dân khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ Latinh cũng có mặt trên máy bay”. “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi ngừng bắn và nối lại đối thoại ở Sudan”, Ngoại trưởng José Manuel Albares viết trên Twitter.

Phát biểu trên kênh truyền hình Rai 3 ngày 23-4, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cho biết, Bộ Ngoại giao nước này đang làm việc với các bên tại Sudan để đảm bảo an toàn cho các công dân Italia muốn rời khỏi quốc gia Bắc Phi này. Bộ Ngoại giao Italia cho biết hiện có khoảng 140 công dân Italia cần được sơ tán khỏi Sudan. Đại sứ quán Italia tại Sudan đang làm việc hết công suất để thực hiện công việc bảo hộ và sơ tán công dân nước mình.

Hà Lan cũng thông báo sơ tán công dân nước này khỏi Sudan, tuy nhiên các chiến dịch cứu hộ gặp nhiều khó khăn do giao tranh giữa các lực lượng sở tại.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 23-4 cho biết cơ quan chức năng đã triển khai 2 máy bay ở Jeddah và 1 tàu tới cảng Sudan để chuẩn bị hoạt động sơ tán. Thông báo cho biết thêm: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh phức tạp và leo thang ở Sudan. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các đối tác để bảo đảm hành lang an toàn cho công dân Ấn Độ, những người bị mắc kẹt ở Sudan và đang chờ được sơ tán”. Ngoài ra, thông báo lưu ý công dân Ấn Độ chủ động liên hệ với Đại sứ quán ở Sudan để sớm có được những tư vấn cần thiết cho việc sơ tán an toàn.

Một đoàn xe rời khỏi Thủ đô Khartoum của Sudan hôm 23-4-2023

Một đoàn xe rời khỏi Thủ đô Khartoum của Sudan hôm 23-4-2023

Một thách thức lớn đối với hoạt động sơ tán là xảy ra giao tranh giành quyền kiểm soát sân bay Khartoum, nơi đã chịu thiệt hại đáng kể kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tuần trước.

Với một loạt lệnh ngừng bắn không được duy trì, số người chết hiện đã vượt quá 420, trong đó có 264 thường dân và hơn 3.700 người bị thương, theo các tổ chức phi chính phủ địa phương và quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích tin rằng tổng số người thiệt mạng và bị thương thực sự trong hơn 9 ngày giao tranh còn cao hơn nhiều.

Cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đã làm dấy lên lo ngại về sự hỗn loạn và thảm họa nhân đạo ở đất nước 45 triệu dân, lớn thứ ba châu Phi. Vào ngày 23-4, các dịch vụ internet và điện thoại dường như đã bị sập tại nhiều khu vực ở quốc gia Bắc Phi này. Thuốc men, nhiên liệu và thực phẩm khan hiếm ở phần lớn Thủ đô Khartoum, trong khi hoạt động giao tranh và cướp bóc khiến việc rời khỏi nhà để tìm kiếm nhu yếu phẩm trở nên nguy hiểm.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Bạo lực bi thảm này ở Sudan đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm thường dân vô tội. Đó là vô lương tâm và bạo lực phải dừng lại. Các bên hiếu chiến phải thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, cho phép tiếp cận nhân đạo không bị cản trở và tôn trọng ý chí của người dân Sudan”.