Các địch thủ của Trung Quốc mua sắm vũ khí làm đối trọng

ANTĐ - Ngày 26/12/2012, Trung tâm phân tích thương mại vũ khí quốc tế (SАМТО) của Nga đã đưa ra bản danh sách 20 hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới năm 2012. Điều đáng chú ý là trong 20 hợp đồng đó, gần nửa thuộc về các đối thủ của Trung Quốc.

Trung tâm phân tích thương mại vũ khí quốc tế đưa ra một tiêu chí là các thương vụ giao dịch này đều đã ký kết hợp đồng mua bán hoặc nếu chưa ký kết thì chí ít cũng đã thông qua quyết định mua sắm. Trong danh sách bình chọn này, hợp đồng mua bán trong lĩnh vực hàng không chiếm tuyệt đại đa số, chỉ có 3 hạng mục trang bị khác loại, bao gồm: đề nghị của Chính phủ Ấn Độ mua sắm lựu pháo xe kéo siêu nhẹ M777 của Mỹ và 2 hợp đồng của Đức bán tàu ngầm thông thường và tàu hộ vệ tên lửa cho Ai Cập và Algeria.

Tuy nhiên, tiêu chí xếp hạng của SAMTO lại không căn cứ vào giá trị của hợp đồng mà dựa vào mức độ quan trọng của nó để làm tiêu chuẩn xếp hạng. Thứ tự 20 hợp đồng vũ khí lớn nhất năm 2012 như sau:

1. Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp thắng thầu trong gói mua sắm máy bay chiến đấu đa dụng của Ấn Độ (126 chiếc).

2. Nhật Bản mua loạt đầu tiên gồm 4 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ.

Cường địch số 1 của Trung Quốc là Ấn Độ đã mua 126 chiếc Rafale của Pháp

3. Đài Loan (TQ) ký hợp đồng với Mỹ để nâng cấp hiện đại 145 chiếc máy bay chiến đấu F-16A/B.

4. Thụy Điển ký kết hiệp định khung, cung cấp cho Thụy Sĩ máy bay chiến đấu Gripen – NG.

5. A-330 MRTT được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu trong trong các hồ sơ dự thầu mua sắm gói máy bay tiếp dầu của không quân Ấn Độ.

6. Siêu trực thăng vận tải CH-47 “Chinook” và trực thăng tấn công hàng đầu AH-64 “Apache” của hãng Boeing trúng thầu dự án mua sắm máy bay trực thăng của Bộ Quốc phòng Ấn Độ.

7. Oman và Anh ký kết hợp đồng mua bán máy bay chiến đấu EF-2000 “Typhoon” và máy bay huấn luyện MK-128 “Eagle”.

8. Chính phủ Đức ra quyết định sẽ không hủy bỏ thương vụ bán tàu ngầm thông thường Type-29 cho Ai Cập.

9. Bộ Quốc phòng Ấn Độ chính thức thông báo sẽ đặt mua lựu pháo xe kéo siêu nhẹ M777 của Mỹ.

10. Iraq ký hiệp định mua loạt máy bay F-16 thứ 2 của Mỹ.

11. Không quân Israel đặt mua 30 chiếc máy bay huấn luyện chiến đấu hạng nhẹ M346 Master của công ty Alenia Aemacchi Italia.

12. Saudi Arabia mua 48 chiếc máy bay chiến đấu EF-2000 “Typhoon” của công ty BAE.

Một địch thủ tiềm tàng khác là Nhật đã sắm F-35 của Mỹ

13. Ấn Độ tiếp nhận “gợi ý” của chính phủ Mỹ về việc cung cấp loạt thứ 2 loại máy bay vận tải C-130J.

14. Saudi Arabia ký hợp đồng với Anh để mua 22 chiếc máy bay huấn luyện MK-128 “Eagle” và 55 chiếc máy bay vận tải PC-21.

15. Công ty hàng không Pilatus (Pilatus Aircraft Company) của Thụy Sĩ ký hợp đồng bán cho không quân Ấn Độ 75 chiếc máy bay vận tải PC-7 MK-2.

16. Chính phủ Australia quyết định nâng cấp 12 chiếc F/A-18F thành máy bay tác chiến điện tử EA-18G.

17. Algeria ký hợp đồng với Đức để mua tàu hộ vệ MEKO A-200.

18. Bộ Quốc phòng Australia xác định sẽ mua 10 chiếc máy bay vận tải quân sự C-27J Spartan của Italia.

19. Saudi Arabia ký hợp đồng với 36 nhà máy của hãng Boeing của Mỹ sản xuất máy bay trực thăng AH-6i Little Bird.

20. Qatar ký kết hợp đồng nhập khẩu máy bay vận tải PC-21 với công ty hàng không Pilatus (Pilatus Aircraft Company) của Thụy Sĩ.

Vùng lãnh thổ Đài Loan cũng nâng cấp hiện đại 145 chiếc máy bay chiến đấu F-16A/B

Trong bản danh sách này, Ấn Độ đứng đầu với 6 hợp đồng, Saudi Arabia xếp thứ 2 với 3 hợp đồng, Australia đứng thứ 3 với 2 hợp đồng, Nhật Bản, Đài Loan, Thụy Sĩ, Oman, Ai Cập, Iraq, Israel, Algeria và Qatar mỗi nước một hợp đồng. Một điểm nhấn đáng chú ý là trong số 20 hợp đồng khủng này, có 8 bản thuộc về các quốc gia, vùng lãnh thổ có mâu thuẫn trực tiếp về lãnh thổ với Trung Quốc, 3 vị trí dẫn đầu trong bản danh sách là các hợp đồng của Ấn Độ, Nhật Bản và Đài Loan đều thuộc nhóm này.

Điều này chứng tỏ các nước có mâu thuẫn với Trung Quốc đang nỗ lực nâng cấp, mua sắm vũ khí trang bị nhằm làm đối trọng với Bắc Kinh. Trong đó hăng hái nhất là Ấn Độ, một quốc gia đang có mâu thuẫn trực tiếp về lãnh thổ trên bộ và ganh đua về tiềm lực quân sự với Trung Quốc, một mình họ đã chiếm tới 30% trong Top 20 hợp đồng hàng đầu.