Bước tiến thế kỷ

ANTĐ - Các nhà khoa học Nam Phi vừa phát hiện cơ chế giúp tạo các kháng thể có thể tiêu diệt 88% các chủng HIV. Đây được đánh giá là một bước tiến quan trọng đến mục tiêu ngăn chặn căn bệnh thế kỷ.

Nhân loại đang đến gần mục tiêu cho ra đời vaccine phòng chống HIV

HIV là căn bệnh quái ác nhất đe dọa mạng sống của hàng triệu người trên thế giới. Những con số thống kê cho thấy tính đến thời điểm hiện nay, trên toàn thế giới có 65 triệu người nhiễm HIV, trong đó khoảng 30 triệu người đã chết. Mặc dù từ năm 2010, số tử vong vì HIV đang có xu hướng giảm dần nhưng mỗi ngày vẫn có gần 5.000 người chết vì AIDS và 7.000 người nhiễm mới.

Dù hàng tỷ USD đã được đổ vào các công trình nghiên cứu nhưng cho đến nay vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào cho căn bệnh này. Nguyên nhân là bởi HIV là một trong những loại virus rất khó nắm bắt. Nếu chỉ có một loại thuốc điều trị, HIV sẽ nhanh chóng kháng thuốc và biến đổi. Đó là lý do vì sao phương pháp điều trị cho bệnh nhân HIV thường phải kết hợp 3 đến 4 loại thuốc cùng lúc. 

Mấy năm gần đây, nguy cơ căn bệnh HIV/AIDS có giảm bớt. Năm 2011 được coi là năm bước ngoặt cho ứng phó toàn cầu với AIDS với những bước tiến chưa từng thấy. Số người nhiễm mới HIV đã giảm 21% kể từ năm 1997 và số người tử vong do AIDS giảm 21% kể từ năm 2005 - số giảm thấp nhất kể từ đỉnh của dịch bắt đầu từ năm 1997. Nam Phi - quốc gia có số người nhiễm HIV mới nhiều nhất thế giới cũng đã giảm 1/3 số người chết vì căn bệnh này. Ở khu vực Nam và Đông Nam Á, tỷ lệ này cũng giảm hơn 40%.

Tuy nhiên, sự tồn tại của vaccine phòng chống HIV thì vẫn chỉ là hy vọng. Năm 2008, tờ Independent của Anh từng đăng thông tin cho biết sau 25 năm nghiên cứu với tiền đầu tư hàng tỷ bảng, các nhà khoa học hàng đầu Anh đã phải thừa nhận viễn cảnh một vaccine phòng HIV/AIDS ngày càng xa vời và một số nhà khoa học thừa nhận rằng, một hệ thống miễn nhiễm hiệu quả chống virus HIV là “bất khả thi”. Đa số ý kiến cho rằng, trong 10 năm nữa cũng chưa thể có vaccine phòng HIV/AIDS, một số cho rằng ít nhất phải mất 20 năm.

Chính vì thế mà thành công của các nhà khoa học Nam Phi đang làm dấy lên niềm hy vọng cho những người mặc bệnh. Trong suốt 7 năm liền, các nhà khoa học Nam Phi đã định kỳ lấy máu từ hai người phụ nữ bị nhiễm HIV tại tỉnh KwaZulu-Natal để nghiên cứu cung cách biến đổi của cả virus lẫn các kháng thể của hai người phụ nữ này. Họ phát hiện ra rằng khi virus mở cuộc tấn công vào hệ miễn dịch của vật chủ bằng cách bổ sung một phân tử đường lên bề mặt của nó, thì các kháng thể của vật chủ sẽ thích nghi nhằm nhận dạng phân tử đường này và nhờ đó có thể tiêu diệt 9 trong 10 chủng HIV được biết cho tới nay. 

Ông J. Mascola, Phó Giám đốc Phân viện nghiên cứu vaccine thuộc Viện nghiên cứu dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ cho rằng thành công của các nhà khoa họa Nam Phi đã tạo ra một bước tiến mới trên con đường xây dựng những chiến lược về vaccine phòng HIV/AIDS. Sau 31 năm kể từ khi thế giới phát động cuộc chiến chống HIV/AIDS, hy vọng cũng đã hé mở, tạo cơ sở để thực hiện mục tiêu mà Liên hợp quốc đề ra là giảm 1 triệu người nhiễm mới HIV vào năm 2015.