Bước ngoặt lịch sử khi Croatia gia nhập Eurozone và Schengen

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2023 được đánh dấu bởi những thay đổi lịch sử đối với Croatia khi quốc gia Balkan này trở thành thành viên mới nhất gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Khu vực tự do đi lại Schengen. Các bên hoan nghênh việc mở rộng biên giới này, nhưng người Croatia dường như vẫn cảnh giác với đồng tiền mới.

Tín hiệu vui ngày đầu năm mới

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã thăm Croatia vào ngày đầu năm mới 2023 để đánh dấu thời điểm quốc gia này chính thức gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Khu vực tự do đi lại Schengen. Trước đó, CH Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, thông báo: “Schengen sẽ mở rộng lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua. Các bộ trưởng đã phê chuẩn quy chế thành viên của Croatia từ ngày 1-1-2023”.

Bộ trưởng Nội vụ Croatia Davor Bozinovic và người đồng cấp Slovenia Sanja Ajanovic trong buổi lễ dỡ bỏ rào biên giới giữa hai nước vào sáng sớm 1-1-2023

Bộ trưởng Nội vụ Croatia Davor Bozinovic và người đồng cấp Slovenia Sanja Ajanovic trong buổi lễ dỡ bỏ rào biên giới giữa hai nước vào sáng sớm 1-1-2023

Sự kiện này thu hút sự chú ý đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Âu gia nhập cả hai khu vực này trong cùng một ngày. Từ sáng sớm 1-1, hàng rào ở cửa khẩu biên giới đã được dỡ bỏ, đánh dấu việc tự do đi lại giữa Croatia với Slovenia và Hungary. Khu vực Schengen là khu vực tự do đi lại lớn nhất thế giới và Croatia trở thành thành viên thứ 27 của Schengen. 26 quốc gia còn lại gồm 22 nước EU cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Mỗi ngày có khoảng 3,5 triệu người qua lại trong khu vực.

Trong khi đó, Croatia cũng đã trở thành thành viên thứ 20 của Eurozone và đồng euro đã trở thành đồng tiền chính thức của nước này. Việc lưu thông cùng lúc cả đồng kuna nội tệ và đồng euro sẽ kéo dài trong 2 tuần. Qua nửa đêm 14-1, sẽ chỉ có đồng euro được chính thức sử dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng và bưu cục vẫn tiếp tục chuyển đổi đồng kuna sang đồng euro trong suốt cả năm 2023.

Thời gian đi lại giữa Croatia với Slovenia và Hungary sẽ được rút ngắn do không cần phải kiểm soát hộ chiếu và hải quan trong cùng Khu vực Schengen

Thời gian đi lại giữa Croatia với Slovenia và Hungary sẽ được rút ngắn do không cần phải kiểm soát hộ chiếu và hải quan trong cùng Khu vực Schengen

Băn khoăn trong giai đoạn chuyển đổi

Tại hiệu bánh của cô Ivana Horvat ở Zagreb, giá cả từ lâu được niêm yết bằng đồng kuna của Croatia và đồng euro. Chẳng hạn, một ổ bánh mì ô liu có giá 18,48 kuna, tương đương 2,65 euro. Tuy nhiên, Horvat hoài nghi về việc chuyển đổi sang đồng euro. “Tất cả giá sẽ được làm tròn lên. Nhiều người có các khoản vay thế chấp và lãi suất sẽ tăng lên. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra khi sử dụng tiền mới từ ngày 1-1”, cô Horvat nói.

Người Croatia dường như bị chia rẽ về vấn đề này, khi chỉ 55% người dân ủng hộ việc sử dụng hoàn toàn đồng euro. Theo một cuộc khảo sát của Ủy ban châu Âu, gần như cứ 2 người thì có 1 người lo ngại đồng euro sẽ có những hậu quả tiêu cực, trong khi 81% người Croatia lo ngại việc sử dụng đồng euro sẽ dẫn đến giá cả cao hơn, sau khi đại dịch Covid-19 giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch. Sự hoài nghi thể hiện rõ ở những người bán hàng hóa của họ tại chợ ở Zagreb. “Tôi sợ những tháng đầu tiên của năm mới. Giai đoạn chuyển giao sẽ khó khăn cho mọi người”, một người đàn ông lớn tuổi giấu tên nói.

Đối với ô tô, bất động sản và khách sạn ở Croatia, doanh số bán hàng dựa trên giá đồng euro trong những năm gần đây. Các công ty và cá nhân nắm giữ tài sản bằng đồng euro và 2/3 khoản nợ quốc gia cũng được tính bằng đồng euro. Ông Ljubo Jurcic, Giáo sư danh dự tại Đại học Zagreb, phân tích từ góc độ kinh tế: “Việc Croatia gia nhập khu vực đồng euro là một quyết định hoàn toàn chính trị với giả định rằng điều đó sẽ đưa chúng tôi đến gần châu Âu hơn. Nhưng có thể thấy trước những vấn đề kinh tế lớn. Croatia hiện đáp ứng các tiêu chí theo Hiệp ước Maastricht về hình thức chứ không phải về bản chất. Điều kiện thực sự để hòa nhập là chúng tôi phải có mức độ phát triển kinh tế tương đương với mức trung bình của EU. Tuy nhiên, Croatia chỉ bằng 1/3 mức trung bình”.

Trên thực tế, Croatia là nước nhỏ, với 4 triệu dân và khoảng 20% nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. Theo ông Jurcic, đến nay họ vẫn chưa có kế hoạch tái định hướng dài hạn hơn để bắt kịp phần còn lại của EU. Qua so sánh, nước láng giềng Slovenia đã có chính sách thông minh hơn, bởi các cơ sở sản xuất dành cho các công ty lớn của châu Âu được đưa vào nước này ngay sau khi giành độc lập. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi, nhưng vì tương lai kinh tế, Croatia cần những công việc mới, có kỹ năng cao hơn và được trả lương cao hơn cho những người trẻ tuổi để ngăn họ chuyển sang các nước láng giềng.