Bước leo thang của Trung Quốc làm “dậy sóng” Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Trung Quốc lần đầu triển khai máy bay vận tải hạng nặng lớn nhất của quân đội nước này tới sân bay trên đảo nổi nhân tạo được bồi đắp trái phép từ đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng bởi động thái được cho là bước leo thang quân sự hóa nguy hiểm của Trung Quốc.
Máy bay vận tải lớn nhất Y-20 của Trung Quốc được cho đã hạ cánh xuống sân bay trên đảo nhân tạo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép

Máy bay vận tải lớn nhất Y-20 của Trung Quốc được cho đã hạ cánh xuống sân bay trên đảo nhân tạo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép

Sự xuất hiện của “quái vật” vận tải Trung Quốc ở Trường Sa

Dư luận quốc tế và khu vực quan tâm với sự lo ngại sâu sắc trước bức ảnh chụp chiếc Y-20, loại máy bay vận tải lớn nhất của Trung Quốc, ở đường băng xây dựng trên đảo nhân tạo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp trái phép. Hình ảnh chiếc máy bay vận tải Y-20 trên đường băng đảo nhân tạo đá Chữ Thập được Maxar Technologies công bố vào ngày 25-12-2020.

Bức ảnh được ông Ken Joyce, Giám đốc quản lý sản phẩm của Maxar Technologies đăng lên mạng xã hội với chú thích: “Máy bay vận tải Y-20 được phát hiện tại đá Chữ Thập. Do DeepCore AI/ML phát hiện”. Maxar Technologies là một công ty công nghệ vũ trụ có trụ sở tại bang Colorado của Mỹ chuyên quan sát, chụp ảnh Trái đất với những hình ảnh chất lượng cao.

Sau khi bức ảnh được máy bay vận tải Y-20 trên đảo nhân tạo đá Chữ Thập được Hãng Maxar Technologies chụp, nguồn tin trong quân đội Trung Quốc cho biết, đó là hoạt động nhằm đánh giá tính năng của dòng máy bay vận tải lớn nhất này của Trung Quốc. Nguồn tin quân sự giấu tên của quân đội Trung Quốc cho biết thêm, “đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai máy bay vận tải Y-20 đến quần đảo Trường Sa”.

Được biết, máy bay vận tải Y-20 do Tập đoàn Tây An của Trung Quốc hợp tác với Hãng Antonov của Ukraine phát triển, chế tạo. Máy bay Y-20 cất cánh bay thử nghiệm lần đầu vào tháng 1-2013 và đưa vào biên chế của quân đội Trung Quốc từ tháng 7-2016 và hiện quân đội Trung Quốc đang có 26 chiếc máy bay vận tải hạng nặng này.

Với khả năng chở tới 55 tấn hàng, tốc độ tối đa hơn 900km/giờ, trần bay 13.000m, máy bay vận tải Y-20 đã nâng cao đáng kể khả năng vận tải những trang thiết bị vũ khí hạng nặng, khối lượng nhiều, đáp ứng nhanh các yêu cầu tác chiến của quân đội Trung Quốc, nhất là các nơi xa hậu phương chính. Trung Quốc hiện còn đang phát triển một loại động cơ mới có thể tăng tải trọng của Y-20 lên thêm 20% nữa.

Trước máy bay vận tải Y-20, Trung Quốc vào tháng 1-2018 đã triển khai tới đá Chữ Thập máy bay vận tải quân sự Y-8 sau khi sân bay trên đảo nhân tạo này hoàn thành. Hồi tháng 5-2020, Trung Quốc cũng triển khai cùng lúc máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay tuần tra săn ngầm KQ-200 tới sân bay trên đá Chữ Thập.

Chính vì thế, việc Trung Quốc triển khai máy bay vận tải lớn nhất Y-20 và trước đó là nhiều loại máy bay quân sự tới đảo nổi nhân tạo bồi đắp trái phép từ đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã gây lo lắng sâu sắc về bước leo thang quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông. Với khả năng chuyên chở lớn, nhanh của máy bay Y-20, Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong việc biến thực thể chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa này của Việt Nam thành một căn cứ quân sự, bàn đạp quân sự quy mô lớn nhằm thực hiện tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Lộ toan tính thâm sâu đòi chủ quyền phi pháp

Sự xuất hiện của máy bay vận tải hạng nặng Y-20 cũng vì thế mà cho thấy rõ những toan tính thâm sâu của Trung Quốc, trong việc bất chấp chủ quyền các bên liên quan và luật pháp quốc tế để dùng vũ lực chiếm đóng và bồi đắp các thực thể thành các căn cứ quân sự là biến đây thành các “bàn đạp quân sự” thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Năm 1988 Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam rồi bồi đắp trái phép thành các đảo nổi nhân tạo hòng lấy đây làm cơ sở để đòi chủ quyền, đồng thời biến chúng thành các căn cứ quân sự quy mô lớn phục vụ cho mục tiêu tiếp tục “thôn tính” các vùng biển khác thuộc Biển Đông.

Trung Quốc sau đó đã huy động nguồn lực vật chất khổng lồ để bồi đắp trái phép 7 thực thể nhân tạo vốn là các bãi đá ngầm, rạn san hô… thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ chiếm đóng bằng vũ lực thành các đảo nhân tạo quy mô lớn. Tổng diện tích các đảo nhân tạo này lên tới hơn 13km2, chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa hiện nay.

Theo đó, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo mở rộng diện tích quy mô lớn 6 bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gồm: Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa và Vành Khăn trong tổng số 7 thực thể do nước này chiếm đóng trái phép thành các đảo nhân tạo. Trong đó, Trung Quốc đã bồi đắp thành 3 đảo nhân tạo quy mô lớn, có đường băng dài 3.000m, đủ để cho các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể cất/hạ cánh; và có cả cảng biển nước sâu để tàu chiến hạng nặng có thể ra vào.

Lớn thứ ba trong số các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa là đá Chữ Thập với diện tích lên tới khoảng 2,77km2, đứng thứ ba về diện tích trong các đảo hoàn toàn nhân tạo trên Biển Đông và cũng lớn thứ tư trong tất cả các đảo nhân tạo lẫn đảo, đá tự nhiên thuộc 2 quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc đã xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng-ten liên lạc qua vệ tinh và một số trạm radar, đã phủ sóng 4G ra khu vực xung quanh. Đặc biệt, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược sử dụng tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả đảo Guam (nơi có các căn cứ quân sự chính Mỹ ở Thái Bình Dương) đến Ấn Độ Dương.

Trung Quốc cũng đã biến đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo lớn thứ hai về diện tích và lớn nhất về quy mô xây dựng công trình trên Biển Đông. Đến nay, tổng diện tích của đảo nhân tạo Subi lên tới 4,14km2. Trên đảo nhân tạo chiếm đóng và bồi đắp trái phép này, Trung Quốc đã xây dựng tổng cộng gần 400 tòa nhà, với nhận định của các chuyên gia quân sự quốc tế, đều có khả năng là những công trình quân sự, có năng lực phục vụ từ 1.500 đến 2.400 binh lính đồn trú thường xuyên.

Trung Quốc tới nay đã chiếm đóng và bồi đắp trái phép đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo hoàn toàn nhân tạo có diện tích lớn nhất trên Biển Đông, kể cả với tất cả các đảo và đá tự nhiên vốn có khác, với tổng diện tích trên 5,66km2. Trên đảo nhân tạo này, Trung Quốc cũng đã hoàn thành xây dựng sân bay và cảng nước sâu nhằm biến nơi đây thành một căn cứ quân sự lớn.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ sau khi phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh về đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không trên 3 đảo nhân tạo đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập đã cho rằng, việc Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các căn cứ không quân và hải quân, kết nối chúng thành một hệ thống căn cứ quân sự là những bàn đạp phục vụ cho mục tiêu đòi chủ quyền phi pháp theo yêu sách “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ Sa”.