Xác định, xử lý nhằm loại trừ ngay hiểm họa phóng xạ ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Việc nồng độ phóng xạ cao bất thường tại một số khu vực ở Biển Đông, nhất là gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khiến các quốc gia liên quan tới vùng biển chiến lược và giàu có tài nguyên thiên nhiên này hết sức lo ngại.

Vùng biển gần Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép có nồng độ phóng xạ cao bất thường

Vùng biển gần Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép có nồng độ phóng xạ cao bất thường

Phóng xạ cao bất thường ở các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng

Nồng độ phóng xạ cao bất thường tại một số khu vực ở Biển Đông được các chuyên gia thuộc Bộ Khoa học - công nghệ Philippines (DOST) và Viện Nghiên cứu hạt nhân Philippines (PNRI) phát hiện một thời gian qua. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12 này, các nhà nghiên cứu của PNRI thuộc DOST mới chính thức thông báo rằng, họ phát hiện nồng độ phóng xạ trong các rạn san hô ở Biển Đông tăng bất thường, cao hơn mức ghi nhận ở những vùng bờ biển khác của Philippines.

Trước đó, ông Carlo Arcilla, Giám đốc PNRI đã nêu vấn đề trên tại Hội nghị trực tuyến của Mạng lưới các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử ASEAN (ASEAN TOM) diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-11-2020 do Việt Nam tổ chức. Các giới chức liên quan của ASEAN tại hội nghị đều tỏ ra “rất quan ngại” khi trình bày về nồng độ phóng xạ cao bất thường ở một số khu vực ở Biển Đông. Các nhà khoa học, chuyên gia của Philippines cho biết phóng xạ được phát hiện thông qua phân lập đồng vị Iodine-129 từ các mẫu vật trên biển. Theo ông Carlo Arcilla, điểm đáng chú ý là nồng độ Iodine-129 cao nhất trong những mẫu nước biển được lấy gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép.

Trong khi đó, tiến sĩ Angel Bautista III, một thành viên của PNRI, đã lưu ý rằng, trước báo cáo chính thức của DOST và PNRI, một nghiên cứu riêng biệt khác trong năm 2020 cũng cho thấy nồng độ Iodine-129 cao bất thường. Tiến sĩ Angel Bautista, người Philippines đầu tiên lưu ý về nồng độ Iodine-129 trên Biển Đông khi bảo vệ luận án ở Đại học Tokyo (Nhật) vào năm 2016, nồng độ chất phóng xạ này tại khu vực “rất cao” và hiện chưa tới mức gây nguy hiểm nhưng “đáng phải theo dõi” kỹ lưỡng và sát sao.

Một điểm đáng chú ý và được giới chuyên gia cũng như giới chức các quốc gia trong khu vực và thế giới quan tâm với sự lo ngại là nồng độ phóng xạ cao nhất gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giới khoa học Philippines đã chỉ rõ một thực thể là Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đá Vành Khăn là một trong số những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép sau sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988. Đá Vành Khăn sau đó là một trong 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp, cải tạo trái phép thành các đảo nhân tạo quy mô lớn. Đá Vành Khăn dưới sự chiếm đóng trái phép của Trung Quốc hiện đã trở thành một căn cứ quân sự quy mô lớn với đường băng dài tới 3.000 m, đủ khả năng để các máy bay chiến đấu hạng nặng cất/hạ cánh; có cảng nước sâu đủ khả năng đón tàu chiến cỡ lớn như tàu đổ bộ cỡ lớn có tải trọng tới 25.000 tấn. Thời gian qua, nhiều máy bay chiến đấu và tàu chiến các loại của Trung Quốc đã ra vào, đồn trú ở Đá Vành Khăn.

Sớm xác định nguồn phóng xạ cao bất thường ở Biển Đông

Thông báo về nồng độ phóng xạ cao bất thường tại một số khu vực ở Biển Đông, nhất là gần các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nhưng các nhà khoa học Philippines chưa kết luận nguyên nhân do đâu. Giám đốc PNRI Carlo Arcilla cho biết, các chuyên gia Philippines hiện vẫn chưa rõ “nguyên nhân là gì và chuyện gì đã xảy ra tại các khu vực này”.

Dưới góc độ khoa học, thông thường những nguồn chủ yếu tạo ra Iodine-129 là các vụ thử hạt nhân, sự cố hạt nhân hoặc quá trình tái xử lý nhiên liệu hạt nhân. Thoạt đầu, nhóm nghiên cứu thuộc PNRI đã không loại trừ khả năng đang có các hoạt động hạt nhân tại khu vực, song cũng để ngỏ chuyện các dòng hải lưu đã đưa Iodine-129 từ nơi khác tới Biển Đông do đây là một chất tồn tại rất lâu trong môi trường.

Ông Carlo Arcilla cho biết, kết quả xem xét các mẫu vật nước biển lấy năm 2020 cho thấy phóng xạ ở Biển Đông không phải là hậu quả của thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản. Nói cách khác, khả năng dòng hải lưu đưa Iodine-129 từ thảm họa hạt nhân Fukushima tới Biển Đông đã bị loại trừ. Khả năng nồng độ phóng xạ cao bất thường ở Biển Đông do vụ nổ hạt nhân cũng hầu như đã bị loại trừ. Theo các chuyên gia, khả năng từ các vụ thử vũ khí hạt nhân ở Biển Đông không thuyết phục vì thông thường nếu thử vũ khí hạt nhân ở khu vực này thì một vụ nổ hạt nhân sẽ bắn ra nhiều loại nhân phóng xạ và rất dễ dàng để phát hiện, đồng thời mạng lưới quan trắc địa chấn của các nước liên quan chắc chắn sẽ phát hiện ra được việc thử vũ khí hạt nhân.

Một khả năng được đề cập tới là nguồn phát ra phóng xạ là tàu ngầm hạt nhân và điều này cũng không khó để xác định ai là “thủ phạm” vì có rất ít quốc gia sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trên thế giới hiện nay. Theo ông Carlo Arcilla, Iodine-129 có thể được tạo ra trong các hoạt động hạt nhân mới, có thể là từ các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Cho dù mức độ phóng xạ ở một số khu vực ở Biển Đông hiện “chưa tới mức gây nguy hiểm”, song rất cần điều tra để xác định chính xác nguồn phóng xạ để xử lý, ngăn chặn bởi nếu vượt ngưỡng sẽ rất nguy hiểm, trước hết là cho môi trường biển giàu tài nguyên thiên nhiên này cũng như sức khỏe, tính mạng con người tại một trong những tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới, đặc biệt đối với các nền kinh tế khu vực.

Khi được hỏi về thông tin nồng độ phóng xạ Iodine-129 tăng cao tại các rạn san hô trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng Việt Nam quan tâm, đang xác minh thông tin này.

Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, việc sử dụng, khai thác và vận chuyển phương tiện, thiết bị, vật liệu có nguy cơ gây mất an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân cần tuân thủ quy định luật pháp quốc tế, các quy tắc, quy chuẩn về bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cũng như không gây ảnh hưởng đến duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 quy định rõ các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, cũng như tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển được xác định phù hợp với UNCLOS 1982.

Nguồn phóng xạ cao bất thường ở Biển Đông vì thế cần phải sớm được xác định, xử lý nhằm loại trừ ngay hiểm họa phóng xạ ở vùng biển có ý nghĩa chiến lược quan trọng với không chỉ các quốc gia khu vực mà cả thế giới. Được biết, theo chương trình Hợp tác về an toàn hạt nhân của Ủy ban châu Âu (EC) cho Đông Nam Á, Philippines có 10 trạm giám sát phóng xạ hướng thẳng ra Biển Đông và các phát hiện sẽ được chia sẻ trong khuôn khổ ASEAN TOM.