Bức màn bí mật quanh việc một siêu tin tặc Nga được Mỹ trục xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ 1 năm trước, Aleksei Burkov (31 tuổi) chuyên điều hành các diễn đàn tội phạm mạng đã bị kết án 9 năm tù ở Mỹ. Nhưng mới đây, việc nhân vật này đã được trả tự do về Nga khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu…
Aleksei Burkov được đưa về đến sân bay Matxcơva (Ảnh: Bộ Nội vụ Nga)

Aleksei Burkov được đưa về đến sân bay Matxcơva (Ảnh: Bộ Nội vụ Nga)

Hôm 28-9, Aleksei Burkov đã lên một chuyến bay thương mại ở sân bay quốc tế John F. Kennedy (New York) để trở về Matxcơva mà không hề bị cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ kiểm soát. Các quan chức Mỹ tiết lộ, chính phủ đã chọn đưa anh ta trở lại Nga và nhân viên của Cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Hoa Kỳ đã hộ tống nhân vật này lên máy bay. Những cũng chính quyết định của chính phủ để “ông trùm tội phạm mạng” được tự do đã khiến họ bối rối.

Quyết định bất ngờ và hiếm hoi

Tháng 7-2020, Burkov - người điều hành một diễn đàn tội phạm mạng cùng diễn đàn bán dữ liệu thẻ thanh toán bị đánh cắp, đã bị kết án 9 năm tù ở Mỹ. Burkov bị lực lượng an ninh Israel bắt giữ ngày 13-12-2015 khi đang làm thủ tục xuất cảnh khỏi Israel. Vụ việc của Burkov được tòa án Jezusalem xét xử kín. Mỹ yêu cầu dẫn độ Burkov với lý do có chứng cứ về việc người này tham gia tấn công mạng. Phía Nga cũng đã yêu cầu Israel dẫn độ Burkov về Nga, nhưng cuối cùng Israel làm theo đề nghị của Mỹ.

Burkov thừa nhận đã điều hành website có tên Cardplanet để mua bán thông tin thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ bị đánh cắp. Website này có chi tiết của khoảng 150.000 thẻ thanh toán từ năm 2009 - 2013, dẫn đến các giao dịch bất hợp pháp gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người với hơn 20 triệu USD. Website thứ hai hoạt động dưới dạng diễn đàn dành riêng cho giới tin tặc cao cấp, tạo điều kiện cho bọn họ mua bán thông tin định danh cá nhân cũng như các phần mềm độc hại, dịch vụ rửa tiền hay tấn công mạng.

Mỹ đã đảo ngược những nỗ lực trong quá khứ nhằm đưa những tên tội phạm Nga ra trước công lý tại các phòng xử án của Mỹ. Và việc bất ngờ trục xuất Aleksei Burkov đặt ra câu hỏi, liệu có phải Matxcơva và Washington đang cố gắng cùng nhau xử lý tin tặc, chuẩn bị trao đổi tù nhân hay là hành động phối hợp để giảm bớt căng thẳng kéo dài trong mối quan hệ Mỹ - Nga.

Mỹ không có hiệp ước dẫn độ với Nga, vì thế việc phóng thích kiểu này trở nên cực kỳ hiếm, việc bắt giữ và dẫn độ Burkov sau này (nếu có) sẽ đặc biệt khó khăn. Trong quá trình tố tụng kéo dài nhiều năm, cơ quan thực thi pháp luật Mỹ phải chống đỡ trước việc Matxcơva can thiệp để đưa anh ta về nước. Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên khi Mỹ quyết định giao người này trở lại Nga, trong bối cảnh các vụ tin tặc Nga tấn công mạng nhằm vào các thực thể Mỹ đang gia tăng.

Hiện chưa rõ cơ quan nào đóng vai trò quyết định cho việc để Burkov ra đi. Tuy nhiên, Burkov đã được chuyển từ Cục trại giam liên bang sang Cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Hoa Kỳ vào ngày 25-8, nhưng hồ sơ không cho biết lý do đằng sau việc chuyển giao. “Burkov bị chính quyền Nga truy nã” - Dani Bennett, người phát ngôn của Cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Hoa Kỳ nói về quyết định thả người. Người phát ngôn nói thêm rằng, Burkov có lệnh truy nã đỏ của Interpol và anh ta cũng bị Nga đưa ra lệnh bắt giữ từ năm 2017.

Rõ ràng, việc này đã đảo ngược những nỗ lực trong quá khứ nhằm đưa những tên tội phạm Nga ra trước công lý tại các phòng xử án của Mỹ. Và việc bất ngờ trục xuất Aleksei Burkov đặt ra câu hỏi rằng, liệu có phải Matxcơva và Washington đang cố gắng cùng nhau xử lý tin tặc, chuẩn bị trao đổi tù nhân hay là hành động phối hợp để giảm bớt căng thẳng kéo dài trong mối quan hệ Mỹ - Nga.

“Siêu tội phạm mạng” người Nga Aleksei Burkov bị Mỹ kết án 9 năm tù năm 2020

“Siêu tội phạm mạng” người Nga Aleksei Burkov bị Mỹ kết án 9 năm tù năm 2020

Giả thuyết được đặt ra

Nhiều tháng qua, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực để Matxcơva chú ý hơn đến vấn đề tin tặc và trừng phạt những tên tội phạm mạng hoạt động bên ngoài nước Nga và nhắm vào Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết những nỗ lực này cho đến nay đều không mang lại kết quả, mặc dù các quan chức Nga từ lâu đã nói rằng họ luôn coi trọng vấn đề nói trên. “Đây có thể là một phép thử về mức độ sẵn sàng hợp tác của người Nga với Mỹ. Chúng tôi đã bàn thảo về những loại vấn đề này trong một khoảng thời gian đáng kể, kéo dài qua một vài chính quyền” - ông Fiona Hill, cựu Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Âu và Nga tại Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng từ năm 2017-2019 nói.

Theo Hãng thông tấn TASS, sau khi hạ cánh xuống Nga, cảnh sát đã bắt giữ Burkov tại sân bay. Các quan chức Mỹ từ chối bình luận nên không rõ Nga và Mỹ đã có thỏa thuận về việc xử lý Burkov thế nào. Tất nhiên, nhà chức trách tại Washington sẽ vẫn giám sát mọi di biến động của đối tượng, rằng “người Nga có thả anh ta ra không, họ thực sự coi anh ta là tội phạm hay là anh hùng” - cựu quan chức tình báo Fiona Hill tiết lộ. “Người Nga thường có câu “một cánh én nhỏ không tạo nên mùa xuân”, trường hợp này sẽ không đủ để nói rằng điều gì đã thay đổi. Đó là một sự khởi đầu, nhưng cứ theo dõi đã. Nếu không có gì xảy ra thêm thì nó sẽ trở thành một đốm sáng vô nghĩa trong việc hợp tác chống tội phạm mạng” - chuyên gia Hill nói.

Việc trả tự do cho Burkov cũng có thể là một đề nghị mang tính chất hòa bình hoặc trì hoãn chung chung hơn từ Chính phủ Mỹ sau nhiều năm quan hệ song phương căng thẳng. Dựa vào hợp tác thực thi pháp luật quốc tế là một thủ thuật cũ nhằm xoa dịu căng thẳng giữa 2 quốc gia, nếu có một thỏa thuận nào đó giữa Washington và Matxcơva (về việc trục xuất Burkov về Nga và các nhà chức trách Nga chứng tỏ thực sự quan tâm đến vụ án này) thì yếu tố thiện chí sẽ lan tỏa sang các cuộc đàm phán ngoại giao khác.

“Một số mối quan hệ giữa Nga và Mỹ thực sự khó khăn trong khi hợp tác trong thực thi pháp luật, ngoại giao có thể giúp xoa dịu căng thẳng. Chia sẻ bằng chứng và bắt kẻ xấu là một cách tốt để xoa dịu căng thẳng và bắt đầu xây dựng một chút lòng tin” - cựu quan chức châu Âu từng tham gia vào công việc này trước đây giải thích. Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin đã nói rằng “việc trả tự do cho Burkov là một bước phát triển tích cực cho mối quan hệ Mỹ - Nga”, nhưng không nói cụ thể là tích cực như thế nào.

Cũng có nghi vấn việc trả tự do cho Burkov có thể là một phần của thỏa thuận hoán đổi tù nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã đưa ra triển vọng về điều này. “Chúng tôi rất hy vọng có thể thiết lập quá trình này với các đối tác Mỹ” - ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn với NBC News vào tháng 6-2021. Trước đây, Mỹ đã phối hợp với Điện Kremlin trong các vụ hoán đổi điệp viên. Như năm 2010, Mỹ từng trao trả 10 tù nhân Nga từng hoạt động với tư cách điệp viên “nằm vùng” ở Mỹ để đổi lấy việc trả tự do cho các điệp viên hai mang. Về phía Mỹ, cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy cựu thủy quân lục chiến Paul Whelan (người đã bị bắt giam ở Nga từ năm 2018 và bị cáo buộc làm gián điệp cho Mỹ) sẽ được phóng thích.

Lý giải về việc trả tự do cho Burkov, ông Jamil Jaffer - cựu Công tố viên thuộc Cục An ninh quốc gia (Bộ Tư pháp Mỹ) cho rằng, có thể anh ta đã hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật Mỹ bằng cách chia sẻ thông tin đáng quan tâm trong vụ việc khác. “Một giả thuyết là anh ta đã cung cấp tài liệu về tin tặc Nga hoặc tương tự, nhưng đó có vẻ là một kịch bản ít khả năng xảy ra, vì nếu nó xảy ra thì không chắc anh ta sẽ muốn được quay trở lại Nga”.

Trong mạng lưới tội phạm của Burkov có Ruslan Yeliseyev - người điều hành diễn đàn cũng bị bắt tại Israel vào năm 2016 - bị dẫn độ về Mỹ và bị kết án tù. Các tin tặc khác cũng là mục tiêu của cơ quan thực thi pháp luật Mỹ. Nhưng một khi mạng lưới của Burkov bị triệt phá không có nghĩa là những kẻ tin tặc cao tay đã bị triệt tiêu. Vì thế, có lẽ mục tiêu cuối cùng của nhà chức trách Mỹ là những “con cá lớn” đó.