- Nước Mỹ chia rẽ bởi tranh cãi kiểm soát súng đạn
- Tranh luận xung quanh dự luật kiểm soát súng đạn ở Mỹ
- Người dân Mỹ sở hữu súng đạn nhiều nhất trên thế giới
Một tên tội phạm với 2 khẩu súng trên tay
Tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 15-1 đã ký sắc lệnh hợp pháp hóa việc sử dụng súng tại quốc gia có số lượng các vụ án mạng lớn nhất thế giới hiện nay với trên 60.000 vụ mỗi năm mà phần lớn nạn nhân thiệt mạng bởi súng đạn. Giải thích về đạo luật gây tranh cãi kịch liệt lâu nay ở Brazil, tân Tổng thống theo quan điểm cực hữu Bolsonaro cho biết, sắc lệnh này sẽ giúp người dân tự vệ tốt hơn.
Theo sắc lệnh, mọi công dân Brazil trên 25 tuổi nếu đáp ứng những điện kiện quy định trong sắc lệnh này đều có thể sở hữu súng đạn. Tất nhiên, sắc lệnh bao gồm những quy định để việc sở hữu súng đạn được kiểm soát và nhất là bảo đảm cho việc sử dụng súng nhằm vào mục đích phòng vệ, bảo vệ bản thân và gia đình chứ không phải các mục đích phạm tội.
Sắc lệnh quy định rõ những người được phép sở hữu súng bao gồm người dân ở vùng nông thôn, ở khu vực đô thị có tỷ lệ án mạng cao, các chủ doanh nghiệp, những người sưu tầm và những người tham gia hoạt động săn bắn. Tất cả các đối tượng trên, nếu trên 25 tuổi và không có tiền án, đều có thể sở hữu súng đạn sau khi vượt qua cuộc kiểm tra tâm lý và khóa học tại một câu lạc bộ bắn súng được cấp phép.
Luật cũng quy định thời hạn giấy phép sở hữu và sử dụng súng dao động từ 5 tới 10 năm tùy theo loại. Đồng thời, sắc lệnh yêu cầu trong trường hợp chung sống với trẻ nhỏ, vị thành niên và người có bệnh án về thần kinh, chủ sở hữu súng buộc phải bảo quản trong két an toàn, và rất ít người được phép mang theo súng tới những nơi công cộng.
Dù có những quy định nhằm hạn chế mặt trái của việc hợp pháp hóa sở hữu súng, song theo các chuyên gia khó mà thực hiện nghiêm những quy định này khi “văn hóa súng đạn” được hợp pháp hóa. Thậm chí, ngay chính các quan chức cũng khẳng định, sắc lệnh được soạn thảo để bất cứ công dân bình thường nào cũng có thể sở hữu súng.
Việc hợp pháp hóa sở hữu súng đạn của tân Tổng thống Bolsonaro đã lập tức dấy lên lo ngại sâu sắc tại Brazil, quốc gia có số vụ án mạng nhiều nhất thế giới mà trong đó chủ yếu do súng đạn gây ra. Theo thống kê, năm 2018, tại quốc gia lớn nhất Mỹ Latin này đã xảy ra hơn 64.000 vụ án mạng, phần lớn liên quan tới súng đạn.
Thế nên, cho dù vẫn có những tiếng nói ủng hộ việc hợp pháp súng đạn tại Brazil với lý lẽ việc được mua súng nhiều hơn sẽ giúp người dân tăng khả năng tự vệ, tăng khả năng răn đe và điều đó giúp giảm tội phạm, nhưng phần lớn chính giới và dư luận lại không cho rằng như vậy. Ông Ivan Marques, Giám đốc một Viện nghiên cứu về bạo lực, nêu quan điểm rằng, “vũ khí là đồng minh tuyệt vời cho những kẻ tấn công, song cũng chính là kẻ thù ghê gớm nhất đối với người tự vệ”.
Ông Ivan Valente, nghị sĩ đảng cánh tả Chủ nghĩa xã hội và tự do (PSOL), cho rằng hợp pháp hóa súng đạn là giải pháp tồi để phòng ngừa tội phạm và nó sẽ đưa Brazil trở lại với “miền Tây hoang dã” của Mỹ hồi thế kỷ 19. Có nghiên cứu đã chỉ ra, nếu tăng 1% số vũ khí lưu hành sẽ làm tăng 2% số vụ giết người tại Brazil.
Những người phản đối còn nghi ngờ việc hợp pháp hóa súng đạn còn có “bóng dáng” của các “lái súng” đằng sau. Nghi ngờ này không phải không có cơ sở bởi ai cũng thấy việc hợp pháp hóa súng đạn ở Brazil là có lợi cho ngành sản xuất vũ khí, một ngành công nghiệp lớn của nước này với doanh thu khoảng 60 tỷ USD mỗi năm.