“Bóng ma” nợ xấu rình rập trở lại, ngân hàng muốn được bảo vệ “quyền đòi nợ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nợ xấu ngân hàng đang tăng trở lại trong khi các ngân hàng cho rằng hành lang pháp lý chưa thực sự bảo vệ quyền đòi nợ của họ.

Nợ xấu lại “phình to”

Thời gian qua, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nợ xấu các ngân hàng có xu hướng tăng trở lại. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021.

Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ.

Tại Agribank, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng cho biết, thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Agribank đã xây dựng và thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, 9/10 mục tiêu cơ bản tại phương án của Ngân hàng đã hoàn thành vượt mức (trừ mục tiêu tăng vốn điều lệ không đạt) trong đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 8,1% xuống còn 1,86%.

Agribank cũng đã xây dựng và trình NHNN phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở phương án đã xây dựng Agribank đã chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại, đến 30/6/2023, Ngân hàng cơ bản đạt và vượt tiến độ mục tiêu đã đề ra.

Nợ xấu hệ thống ngân hàng đang tăng trở lại

Nợ xấu hệ thống ngân hàng đang tăng trở lại

Tuy nhiên, vấn đề nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu tại Agribank đang gặp khó khăn, thách thức khi còn đúng một nửa thời gian để thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2021-2025.

“Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dù NHNN đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ. Thực tế tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn” – ông Phạm Đức Ấn cho biết.

Ngân hàng muốn có được bảo vệ quyền đòi nợ

Theo các ngân hàng, nợ xấu gia tăng ngoài việc khách hàng gặp khó khăn do Covid-19 thì việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc cũng là một nguyên nhân quan trọng. Ngoài ra, một số khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. Cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, hiện nay người cho vay đang chịu nhiều rủi ro nhất. Do đó, ông kiến nghị cơ quan quản lý cần có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ. “Ngân hàng có quyền đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ” – lãnh đạo VPBank nói.

Tương tự, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB đề nghị Quốc hội và Chính phủ luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các TCTD triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, lãnh đạo MB cũng kiến nghị cần xem xét cơ chế cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất, tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng thì kiến nghị Bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nghiên cứu xem xét trả vật chứng trong các vụ án hình sự để các ngân hàng xử lý phát mại, đấu giá kịp thời nhằm hạn chế tổn thất trong quá trình thu giữ.

Tòa án nhân dân Tối cao chỉ đạo tòa án các cấp thống nhất hình thức xử lý tranh chấp liên quan đến chủ tài sản bảo đảm tạo tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng.

Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp Bộ ngành liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, ban hành hướng dẫn về định giá khoản nợ xấu, hình thành thị trường mua bán nợ.

Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát những bản án thi hành còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu…