Bộ đôi quyền lực hiện thực hóa cam kết tranh cử

Bóng ma chiến tranh lạnh?

ANTĐ - Thế là đã qua nửa tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhậm chức. Tân Tổng thống Nga đã bắt tay vào việc thực hiện các cam kết tranh cử của mình, trong đó có việc nâng cao vị thế của Nga trong khu vực và trên trường quốc tế thông qua cuộc gặp các nguyên thủ quốc gia các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).

Thủ tướng D.Medvedev  và Tổng thống putin trao đổi về thành phần Chính phủ mới

Tại cuộc gặp giữa 7 nhà lãnh đạo cấp cao của CSTO tại Matxcơva nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ tiếp tục giữ vai trò then chốt trong việc hình thành các chính sách mới của CSTO nhằm bảo đảm ổn định và an ninh khu vực cũng như an ninh quốc tế, đối phó với những thách thức và nguy cơ mới. Theo đó, vị thế của CSTO bao gồm Armenia, Belarus, Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Uzbekistan và Nga sẽ tăng lên, trở thành đối trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khu vực và trên trường quốc tế. Với tư cách là chủ nhà, ông Putin đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “thuyết khách” của mình khi Tuyên bố chung của CSTO khẳng định việc đơn phương triển khai “lá chắn tên lửa” của Mỹ và NATO mà không có bảo đảm pháp lý là hành động có thể gây tổn hại đến an ninh quốc tế, đến sự ổn định chiến lược ở châu Âu và trên thế giới nói chung. 

Gặp gỡ nguyên thủ quốc gia 11 nước thành viên CIS tại Điện Kremlin, Tổng thống Putin cũng đã kêu gọi tích cực phát triển hơn nữa các quá trình liên kết trong không gian CIS, kể cả quan hệ Nga/Ukraine. Tổng thống Putin hy vọng Ukraine sẽ phê chuẩn Hiệp định về thương mại tự do (FTA) ký năm 2011 giữa các nước tham gia Cộng đồng kinh tế Á-Âu nhằm tăng cường hơn nữa các quá trình liên kết kinh tế trong không gian CIS. Nếu mọi chuyện diễn ra như mong muốn của Tổng thống Putin, Nga sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc thâm nhập thị trường đầy tiềm năng của Ukraine nói riêng và CIS nói chung, đem lại lợi ích không nhỏ cho kinh tế-thương mại của nước này. Việc ông Putin chủ trì cuộc gặp cấp cao với các nước CSTO và CIS lần này chỉ ít ngày sau khi nhậm chức Tổng thống là thông điệp cho thấy ông sẽ nhanh chóng hiện thực hóa cam kết tranh cử: tăng cường hợp tác với các nước thuộc Liên Xô cũ trên mọi lĩnh vực, cả về an ninh lẫn kinh tế.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa trình lên Tổng thống Vladimir Putin danh sách đề cử nội các mới của Nga. Theo hãng tin Interfax, nội các mới tập trung vào việc đưa Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đưa ra kế hoạch nâng cao vị thế quốc phòng của Nga, nhất là trong bối cảnh NATO đang triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu bất chấp những lời cảnh báo từ Nga. Dự kiến Tổng thống Putin sẽ thông qua danh sách nội các này vào tuần tới. Theo các nguồn tin, có có tới 80% quan chức Chính phủ là những gương mặt mới, đúng như cam kết “đổi mới triệt để” của bộ đôi quyền lực nhất nước Nga đã đưa ra trước đó.

Việc thành lập nội các tại Nga diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga và phương Tây có nhiều sóng gió. Tổng thống Nga Putin không dự Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Mỹ với lý do ông bận rộn với việc phê duyệt thành phần Chính phủ mới. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ không dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra vào mùa thu tới ở Vladivostok, Nga, với lý do bận với cuộc đua tái tranh cử vào Nhà Trắng. 

Vấn đề nóng nhất trong quan hệ giữa Nga với NATO nói riêng và giữa Nga với phương Tây nói chung hiện nay là hệ thống lá chắn tên lửa của NATO triển khai sát biên giới Nga. Hầu hết người dân Nga không những không tin tưởng vào NATO mà còn cho rằng khối này có thể đe dọa an ninh Nga. Lo ngại này không phải là không có cơ sở. Matxcơva từng chỉ ra rằng NATO đã ở quá gần biên giới Nga, với nhiều căn cứ quân sự đang được xây dựng tại Ba Lan, Bulgaria và Romania. Máy bay của NATO cũng đang tuần tra trên bầu trời các nước Baltic giáp với Nga. Chi phí quốc phòng của các thành viên NATO tăng gấp nhiều lần so với Nga. Ngoài ra, quân số lực lượng quy ước của NATO tại châu Âu vượt xa Nga. Quân đội Mỹ cũng đang phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có các hệ thống vũ khí tấn công triển khai tại châu Âu làm mất cân bằng quân sự với Nga. Dường như bóng ma chiến tranh lạnh vẫn còn lởn vởn trong quan hệ Nga - phương Tây.

Bên cạnh vấn đề đối ngoại, tin vui GDP tháng 4 của Nga đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều do với dự báo 4% được đưa ra trước đó phần nào xoa dịu những ồn ào của đời sống chính trị trong nước.