Môn thể thao mới tại Việt Nam:

Bóng gỗ như chơi golf

(ANTĐ) - Gần giống như chơi golf, nhưng lại không phải là golf, bộ môn thể thao mới xuất hiện tại Việt Nam - bóng gỗ đang gây sự tò mò và hấp dẫn một lượng lớn người chơi bởi cách chơi đơn giản cũng như dụng cụ tập luyện rẻ tiền và phù hợp với mọi lứa tuổi.
Bóng gỗ như chơi golf ảnh 1
Ảnh: TTO

Từ một sự tình cờ
Bóng gỗ được một tay golf người Đài Loan (Trung Quốc) là Ming Hui Weng phát minh vào năm 1990. Với ý tưởng ban đầu là tạo ra một môn thể thao gần giống như golf nhưng có chi phí rẻ hơn để bất cứ ai cũng có thể tham gia luyện tập. Ngay từ khi ra đời, bóng gỗ đã gây sự tò mò và hấp dẫn nhiều người tham gia tập luyện. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay bóng gỗ đã trở thành môn thi đấu tại nhiều giải quốc tế, phổ biến tại hơn 40 quốc gia với hàng triệu người chơi. Tiếp sau sự ra đời của Liên đoàn Bóng gỗ Thế giới, lần lượt các tổ chức tương tự được thành lập tại châu Á, Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới. Song tại Việt Nam, môn thể thao này mới chỉ được biết đến và du nhập vào nước ta cũng hết sức tình cờ. Năm 2007, TTK Ủy ban Olympic Việt Nam, Hoàng Vĩnh Giang tình cờ nhận được một món quà từ ông Chủ tịch Liên đoàn Bóng gỗ châu Á, Thomas Kook là một quyển luật và 3 bộ dụng cụ bóng gỗ với mong muốn Việt Nam phát triển môn thể thao này. Sau đó, ông Giang quyết định trao lại cho ông Hà Khả Luân (lúc đó là Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội), người từng du nhập và phát triển hàng loạt các môn thể thao vào Việt Nam như cầu mây, bi sắt, bowling, bóng ném, xe đạp lòng chảo… Nhận thấy đây là môn thể thao thú vị, chi phí đầu tư không quá tốn kém mà lại phù hợp với thể trạng, phẩm chất khéo léo của người Việt Nam, ông Luân đã mau chóng nhân rộng và phổ biến môn thể thao này tại nhiều tỉnh, thành. Dựa vào 3 bộ dụng cụ được tặng, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đã chế tạo ra những dụng cụ tương tự. Nhiều người lúc đầu là tò mò, sau thích thú và “nghiền” luôn môn thể thao này. Sự kiện đánh dấu sự ra đời của bóng gỗ tại Việt Nam là việc thành lập CLB Bóng gỗ tại Hà Nội ngày 9-9-2009, với sự tham gia của 22 thành viên. Cũng theo ông Hà Khả Luân, hiện bóng gỗ đã được phổ biến rộng rãi tại 6 tỉnh, thành trên cả nước là Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Gia Lai, Vũng Tàu và TP.HCM.Mong muốn vươn tầm thế giới Dù chưa được công nhận là môn thể thao chính thức, nằm trong hệ thống đầu tư và thi đấu của Tổng cục TDTT, song ông Luân cùng các thành viên CLB Bóng gỗ vẫn đang nỗ lực hết mình để trong tương lai gần, bóng gỗ Việt Nam có được vị thế nhất định trên trường quốc tế. Nếu như ở Việt Nam, bóng gỗ vẫn chỉ là môn thể thao mang tính phong trào thì trên thế giới, nó đã trở thành môn thi đấu chính thức tại nhiều giải quốc tế quan trọng. Sau khi thành lập, CLB Bóng gỗ Hà Nội đã tổ chức Giải vô địch các CLB Bóng gỗ Hà Nội vào tháng 1-2010 và mới đây vào 2-2011 là giải Bóng gỗ Hà Nội mở rộng với sự tham dự của hàng trăm VĐV. Bên cạnh đó, với cương vị Chủ tịch CLB Bóng gỗ Hà Nội, ông Luân đã nhiều lần cùng thành viên CLB tham dự các giải đấu quốc tế tại Đài Loan, Thái Lan, Oman… bằng nguồn kinh phí tự túc. “Trước mỗi chuyến du đấu, chúng tôi đều xác định đi là để cọ xát, học tập chứ không phải giành thành tích. Qua mỗi giải đấu từ VĐV đến lãnh đạo CLB đều “ngộ” ra được nhiều điều bổ ích”, ông Luân chia sẻ. Bên cạnh đó, những chuyến du đấu nước ngoài cũng giúp cho thế giới có cái nhìn tích cực và đánh giá cao sự phát triển của bóng gỗ tại Việt Nam. Thành quả thiết thực nhất là việc bóng gỗ sẽ trở thành môn thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao châu Á bãi biển lần thứ 5 (2016) mà Việt Nam là nước đăng cai. “Tôi hy vọng một vài năm tới, ngoài phát triển thể thao quần chúng thì môn bóng gỗ còn có thể đạt được thành tích ở các cuộc thi quốc tế, như những gì mà cầu mây, bi sắt, bóng ném đã và đang làm được”, ông Luân khẳng định.Cách chơiCũng tương tự chơi golf, chỉ có điều sẽ đánh bóng vào cầu gôn gỗ (có chiều dài 2 cạnh khoảng 25cm) thay vì đánh vào lỗ như ở môn golf. Sân chơi có nhiều loại địa hình khác nhau và được chia làm làm nhiều đường đánh (12, 24, 36 hoặc 72 đường). Mỗi đường đánh có chiều dài từ 30-130 mét, chiều rộng từ 3-10 mét và có một cầu gôn. Nhiệm vụ của người chơi là phải đưa bóng qua các đường trên (không cần theo thứ tự) cho đến cầu gôn cuối cùng. Thời gian cho một trận đấu kéo dài từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ, tùy theo số lượng đường đánh và kỹ thuật của từng người. Mỗi lần đánh bóng qua vạch phân cách sẽ bị cộng thêm “1 gậy”, kết thúc trận đấu, người nào có số lượng gậy ít nhất là người giành chiến thắng.