Bóng đá Việt Nam: Mục từ gốc đến ngọn

ANTĐ - Nội soi thất bại của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012 có phần trách nhiệm của HLV trưởng khi không quản nổi quân khiến nội bộ nổi “sóng ngầm”. Nhưng sâu xa hơn cả, để bóng đá Việt Nam cứ mãi lẹt đẹt suốt nhiều năm qua chính bởi sự yếu kém của VFF.

Nếu không thay đổi, bóng đá Việt Nam sẽ chẳng thể ngẩng mặt lên được

V-League ngày càng “loạn”…

Các giải bóng đá quốc nội luôn được xem là nơi ươm mầm và cung cấp nhân tài cho tuyển quốc gia. Thế nhưng, sau thế hệ Hồng Sơn, Huỳnh Đức… suốt hơn 10 năm qua, bóng đá Việt Nam gần như không thể sản sinh ra lứa cầu thủ tài năng tương tự. Trớ trêu thay, đó cũng là khoảng thời gian mà V-League khoác lên mình tấm áo chuyên nghiệp, được người trong cuộc tự huyễn hoặc là giải đấu lớn nhất Đông Nam Á. Vậy giải đấu này đó đã giúp ích gì cho ĐTQG, cho bóng đá Việt Nam? - E rằng ngay cả giới quản lý cũng khó trả lời. Thế nhưng, một người hâm mộ bình thường cũng dễ dàng liệt kê vô số những tiêu cực của các giải đấu này như chuyện cầu thủ chơi ma túy, say rượu, đuổi đánh trọng tài hay nạn xin-cho điểm giữa các đội bóng… Việc cả V-League lẫn hạng Nhất đều đang “rối như canh hẹ” trước mùa giải mới là minh chứng rõ nhất cho sự yếu kém trong quản lý bóng đá quốc nội. 

Lâu nay, công tác đào tạo trẻ luôn trong tình trạng bị thờ ơ. VFF thì khoán trắng cho CLB, còn CLB lại chẳng mấy mặn mà bởi còn mải chạy theo thành tích. Đến mùa giải trẻ đội nọ mượn người đội kia, có đội đi gom người khắp nơi để thành lập đội, hết giải thì giải tán. Ở cái “nôi” V-league “loạn” như thế mà vẫn cứ kỳ vọng mỗi năm đều đặn một lứa cầu thủ tài năng quả thật viển vông. Không có điều kiện, cơ hội phát triển tài năng, trái lại các cầu thủ trẻ còn bị “đầu độc” ở môi trường bóng đá đầy rẫy tiêu cực. Nhiều người mới có chút thành tích đã làm mình làm mẩy, ra điều kiện này nọ, số khác bắt chước lãnh đạo đội gân cổ cãi, thậm chí còn đuổi đánh trọng tài, chửi phóng viên, coi thường người hâm mộ. Xét về tính chuyên nghiệp, cầu thủ Việt Nam luôn bị đánh giá thấp ngay ở “vùng trũng” Đông Nam Á. Điều này thể hiện qua hành động không đi giày, không khởi động cùng đồng đội của Công Vinh - người vốn được xem là mẫu mực nhất về độ chuyên nghiệp tại ĐT Việt Nam - tại AFF Cup vừa qua. 

Sự làm ngơ của VFF

Để V-League cùng các CLB rơi vào tình cảnh hiện nay, trách nhiệm lớn nhất thuộc về VFF. Không ai khác, chính họ đã thả nổi các giải quốc nội và để mặc cho các ông bầu tự tung tự tác. Cũng chính họ, suốt nhiều nhiệm kỳ qua đã không thể đưa ra một chiến lược chiều sâu nào hiệu quả để phát triển bóng đá nước nhà. Cứ trước mỗi nhiệm kỳ, người ta lại được nghe những kế hoạch hoành tráng, đại loại như lọt vào top 10 châu Á, hay dự World Cup, nhận trách nhiệm và hứa sửa sai… từ người đứng đầu VFF. Nhưng tất cả đều chỉ là khua môi múa mép và cứ thế, “quả bóng trách nhiệm” cứ chuyền từ người này sang người khác, từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác. 

VFF đã làm gì cho ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2012? Một ông Tổng thư ký đi theo đoàn để… nhặt bóng, nhặt rác cho cầu thủ trong và sau mỗi buổi tập, cùng khuôn mặt thiếu sinh khí trước truyền thông quốc tế, trái ngược với những gì mà một ông trưởng đoàn đội tuyển bóng đá quốc gia cần làm và phải làm. Một ông khác là Phó chủ tịch VFF đi theo làm phó đoàn, nhưng điều đọng lại với cánh phóng viên tác nghiệp ở Bangkok chỉ là những lời “nổ tung trời” của ông này, đại loại như “ĐT Việt Nam sẽ đá chết bỏ”, “sẽ đánh gục Philippines”, “sẽ đả bại Thái Lan”… Còn với người đứng đầu VFF thì sao? Trả lời báo chí sau thất bại ê chề của ĐT Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cho rằng: “Màn trình diễn thất vọng của ĐT Việt Nam vừa qua chỉ đơn thuần về mặt chuyên môn, không thể đổ lỗi cho những thứ khác được. Về phần mình, VFF đã tạo mọi điều kiện cũng như đáp ứng đầy đủ những nhu cầu cần thiết cho toàn đội từ khâu chuẩn bị cho tới quá trình diễn ra giải đấu”. Cách nói của ông Hỷ chẳng khác nào bề trên đứng phán xét, rũ bỏ trách nhiệm và đẩy quả bóng trách nhiệm cho BHL đội tuyển. 

Nghe những lời VFF nói và hứa, nhìn những việc VFF đã và đang làm, chẳng biết khi nào bóng đá Việt Nam mới ngẩng được đầu lên.