Bóng đá Việt Nam: Cần thay đổi tận gốc

(ANTĐ) - Bóng đá khu vực đang có sự chuyển mình mạnh mẽ và giờ là lúc các nhà quản lý, hoạch định bóng đá nước nhà nên có một kế hoạch phát triển mới, thích hợp và dài hơi hơn.

Bóng đá Việt Nam: Cần thay đổi tận gốc

(ANTĐ) - Bóng đá khu vực đang có sự chuyển mình mạnh mẽ và giờ là lúc các nhà quản lý, hoạch định bóng đá nước nhà nên có một kế hoạch phát triển mới, thích hợp và dài hơi hơn.

Sẽ không thể có nhiều tài năng trẻ như Thành Lương [trái] nếu chúng ta không có sự thay đổi toàn diện
Sẽ không thể có nhiều tài năng trẻ như Thành Lương [trái] nếu chúng ta không có sự thay đổi toàn diện

AFF Cup 2010 có thể coi như một cuộc lật đổ của những quốc gia vốn vẫn bị coi là chiếu dưới trong đấu trường Đông Nam Á. Những cường quốc bóng đá khu vực như Thái Lan, Singapore và cả Việt Nam đang đi xuống. Trong khi đó, Philippines, Lào, Malaysia đang dần khẳng định vị thế của mình bằng chiến lược phát triển bóng đá dài lâu và đúng đắn.

Với lực lượng già nua khi hầu hết các trụ cột đã cập tuổi 29 - 30, cái tuổi mà sức khỏe đã không còn được như ý nữa thì hẳn thất bại đến chỉ còn là việc sớm hay muộn mà thôi. Hãy nhìn lại những trận đấu vừa qua, phải chăng chúng ta không có những tài năng trẻ thay thế mà cứ phải trông chờ vào những gương mặt đã già nua kia? Câu trả lời là không. Với một quốc gia hơn 80 triệu dân cùng một tinh thần cuồng nhiệt bóng đá chẳng thua kém bất cứ đâu trên thế giới thì hẳn sẽ không bao giờ thiếu những tài năng. Có điều, họ có được phát hiện,   đào tạo và tin dùng hay không mà thôi.

Thực tế là việc quá thận trọng và rụt rè trong việc sử dụng các cầu thủ trẻ đã khiến ĐTVN mất đi một phần sức mạnh. Thành Lương, Trọng Hoàng hay Tấn Trường đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình khi được trao cơ hội đóng góp cho ĐTQG.

Dù đôi lúc còn những sai lầm xuất phát từ sự non kém kinh nghiệm nhưng nếu không được thi đấu thì họ đâu có cơ hội bộc lộ những ưu, khuyết điểm đó. Còn đó những cầu thủ trẻ như Thanh Hưng, Đình Đồng… chưa thể đóng góp nhiều cho màu áo ĐTQG. Đâu phải họ không có trình độ hay bản lĩnh mà chỉ là họ chưa được trao cơ hội mà thôi.

Còn nhớ trước đây chừng 5, 7 năm, đội tuyển Lào đã khiến nhiều người phải… phì cười khi mang những “chú nhóc” chỉ chừng 16, 17 tuổi tham dự SEA Games. Nhưng rồi thời gian trôi qua, những tiếng cười chế nhạo kia lại chính là động lực giúp các cầu thủ trẻ trưởng thành hơn và mang về những thành tích đáng kể cho đội bóng mình.

Dù chưa thể bước lên ngôi cao nhất tại đấu trường khu vực nhưng việc lọt vào bán kết SEA Games 25, hay việc thi đấu ngang ngửa và cầm hòa đội bóng được coi là “ông hoàng khu vực” - Thái Lan, tại vòng bảng AFF Cup 2010… cũng khiến cả Đông Nam Á phải nhìn họ bằng con mắt khác. Đó chính là thành quả mà họ xứng đáng có    được sau những chiến dịch đầu tư “đi tắt đón đầu”.

Rồi đến câu chuyện của ĐT Malaysia tại AFF Suzuki Cup 2010. Vài năm trước, đội bóng đã làm không ít người phải ngạc nhiên khi tham dự các giải đấu khu vực với gần 100% các cầu thủ xấp xỉ 20 tuổi. Sau những thất bại “cần thiết” ban đầu, họ đã trưởng thành nhanh chóng và dần trở thành đối thủ cần phải dè chừng đối với các đội bóng còn lại trong khu vực.

Chính họ là những người giành chiếc cúp vô địch SEA Games 25 từ tay thầy trò HLV Calisto và không ai khác, cũng chính họ đã loại ĐTVN ra khỏi cuộc chơi và trở thành nhà cựu vô địch tại AFF Cup 2010.

Đó chính là một tấm gương để bóng đá Việt Nam và các nước trong khu vực noi theo, cũng giống như những gì họ đã chắt lọc và học hỏi từ sự tiến bộ trong việc xây dựng và phát triển bóng đá của nước ta vậy. Nhưng trước khi làm được điều tương tự, thì có lẽ các nhà quản lý và hoạch định chiến lược bóng đá Việt Nam cần phải làm mới mình trước đã. Bởi chí ít thì “phù thuỷ” Calisto dường như đã “hết phép”, và quan điểm xây dựng đội tuyển chỉ dựa vào những cựu binh để có được thành tích ở Đông Nam Á ngay trước mắt có lẽ không còn phù hợp nữa.

Thuần Thư