Bóng đá tấn công lên ngôi

(ANTĐ) - 4 năm sau khi đội tuyển Italia đăng quang chức vô địch World Cup 2006 ở Đức bằng lối chơi phòng ngự khắc nghiệt, thì có vẻ như bữa tiệc bóng đá lớn nhất hành tinh tại Nam Phi sẽ khép lại bằng một phong cách trái ngược. Thay cho lối chơi phòng ngự, phong cách tấn công đang lên ngôi ở kỳ World Cup lần đầu tiên diễn ra tại lục địa đen...

Bóng đá tấn công lên ngôi

(ANTĐ) - 4 năm sau khi đội tuyển Italia đăng quang chức vô địch World Cup 2006 ở Đức bằng lối chơi phòng ngự khắc nghiệt, thì có vẻ như bữa tiệc bóng đá lớn nhất hành tinh tại Nam Phi sẽ khép lại bằng một phong cách trái ngược. Thay cho lối chơi phòng ngự, phong cách tấn công đang lên ngôi ở kỳ World Cup lần đầu tiên diễn ra tại lục địa đen...

Người hâm mộ trên khắp thế giới đang chờ đợi những pha bóng đẹp mắt trong trận chung kết sắp tới

Người hâm mộ trên khắp thế giới đang chờ đợi những pha bóng đẹp mắt trong trận chung kết sắp tới

Sự lấn lướt của bóng đá phòng ngự là điều dễ thấy trong giai đoạn đầu của World Cup năm nay. Trong số 16 trận của lượt trận đầu tiên, chỉ có 2 trận đấu có nhiều hơn 2 bàn thắng. Ở thời điểm đó, không ít người đã bày tỏ sự thất vọng về sức hấp dẫn của giải bóng đá lớn nhất hành tinh, khi vẻ đẹp hoa mỹ của bóng đá phải nhường chỗ cho sự toan tính và lối chơi thực dụng. Hầu hết các tên tuổi lớn như Argentina, Brazil, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh hay Bồ Đào Nha đều chưa chứng tỏ được sự vượt trội của mình. Nhưng đó cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh tất cả các đội bóng đều thận trọng, tránh nguy cơ phải sớm chia tay World Cup.

Sau đó, sự thay đổi diễn ra qua từng vòng đấu và qua từng trận. Lối chơi phòng ngự không còn giúp Paraguay, Ghana, Thụy Sỹ hay Nhật Bản... gặt hái thành công dù phần lớn trong số những cái tên kể trên đều góp mặt ở vòng 16 đội. Họ lần lượt phải nói lời chia tay Nam Phi, cuối cùng là Paraguay trong bối cảnh chỉ chơi phòng ngự thôi là không đủ để đại diện của Nam Mỹ gây bất ngờ trước biểu tượng của vẻ đẹp châu Âu, Tây Ban Nha. Điều tương tự đến với Brazil ở tứ kết, khi họ phải dừng chân dưới tay “Cơn lốc da cam”, dù chưa trình diễn đúng chất bóng đá tấn công tổng lực nhưng đủ để vượt qua sự thực dụng của Selecao.

Ở những giải đấu lớn như World Cup, sự thực dụng không phải là điều đáng chê trách, bởi đó là bóng đá hiện đại, thứ bóng đá đặt nặng mục tiêu chiến thắng. Uruguay, thậm chí là Đức đã lựa chọn cho mình lối chơi như vậy trước Hà Lan và Tây Ban Nha, khi họ phải đối đầu với các đội bóng được cho là mạnh hơn. Nhưng trong lịch sử, dòng chảy của bóng đá luôn hướng tới vẻ đẹp, tôn vinh lối chơi cống hiến. Trong cuộc chiến giữa 2 trường phái như vậy trên đất Nam Phi, bóng đá tấn công đã chiến thắng bằng sự khẳng định với Hà Lan và Tây Ban Nha giành quyền vào chơi trận chung kết. Đó sẽ là bữa tiệc của bóng đá tấn công giữa 2 đội bóng vẫn đang hướng tới chiếc cúp Nữ thần vàng lần đầu tiên.

Dưới triều đại của HLV Bert van Marwijk, Hà Lan tỏ ra toàn diện hơn trong lối chơi, song ở họ vẫn toát lên thứ bóng đá cống hiến mà những người tiền nhiệm của họ từng tạo nên khái niệm “Cơn lốc màu da cam” huyền thoại. Tương tự như vậy, Tây Ban Nha của HLV Vicente del Bosque cũng không hề chơi phòng ngự ở trận đấu mà Đức tỏ rõ toan tính sử dụng cái bẫy phòng ngự phản công ngay từ đầu. Trong đội hình được xây dựng dựa trên bộ khung của CLB Barcelona, với 6 gương mặt ra quân trong đội hình xuất phát ở trận gặp Đức, “bò tót” chỉ biết tấn công đối thủ... đến “hơi thở cuối cùng”. Đó như là bản chất, là sứ mệnh của các cầu thủ Tây Ban Nha tại World Cup năm nay.

Hà Lan hay Tây Ban Nha sẽ chiến thắng? Đội nào sẽ đại diện cho châu Âu khẳng định sự vượt trội mang về danh hiệu vô địch World Cup lần thứ 10 về cho lục địa già là một câu hỏi khó trong bối cảnh cả hai đều ngang sức, ngang tài. Nhưng dù đó là đội nào đi chăng nữa, người hâm mộ trên khắp thế giới vẫn đang nóng lòng chờ đến trận chung kết vào rạng sáng ngày 12-7 tới.            

 Đỗ Thu