"Bom hẹn giờ" Brexit có phát nổ?

ANTĐ - Không chỉ nước Anh, Liên minh châu Âu (EU) mà cả thế giới đang hồi hộp đếm ngược thời gian tới ngày 23-6, ngày mà cử tri xứ sở sương mù sẽ tiến hành bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc ở lại hay rời khỏi “ngôi nhà chung” EU.

"Bom hẹn giờ" Brexit có phát nổ?  ảnh 1Những người ủng hộ Brexit đang thắng thế những người ủng hộ ở lại EU

Càng tới gần “ngày phán quyết” 23-6, những người ủng hộ việc nước Anh tiếp tục ở lại EU lại càng có lý do để lo lắng khi tỷ lệ cử tri nước này muốn rời khỏi liên minh có xu hướng gia tăng. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất đều cho thấy tỷ lệ người ủng hộ nước Anh rời bỏ EU (còn gọi là Brexit) đã nhiều hơn rõ rệt những người muốn ở lại Liên minh, trong đó cuộc thăm dò do trang mạng Independent công bố ngày 10-6 vừa qua cho thấy, tỷ lệ cử tri ủng hộ Brexit là 55% so với 45% muốn tiếp tục là thành viên EU như hiện nay. 

Điều đáng nói là tỷ lệ người dân Anh ủng hộ Brexit ngày càng vượt trội tỷ lệ người muốn ở lại EU bất chấp Chính phủ Thủ tướng David Cameron cùng EU nỗ lực thuyết phục người dân Anh ủng hộ việc ở lại “ngôi nhà chung” Liên minh. Trong đó, EU đã buộc phải “xé rào” quy định của Liên minh, dành cho Anh những “quy chế đặc biệt” như để Lodon có chính sách phân biệt đối xử với người lao động nhập cư nhằm bảo vệ người lao động xứ sở sương mù.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những cố gắng đó, tỷ lệ người ủng hộ ở lại EU không những tăng mà còn liên tiếp giảm. Điều này khiến tất cả những ai ủng hộ nước Anh ở lại EU phải đối mặt với nguy cơ ngày càng lớn về việc một trong những thành viên quan trọng nhất sẽ rời khỏi Liên minh cho dù điều này được dự báo mang lại những tổn thất lớn cho nước Anh, từng người dân Anh và cả EU.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR, viện nghiên cứu độc lập lâu đời nhất của Anh) nhấn mạnh nếu xảy ra kịch bản Brexit thì đồng bảng Anh sẽ rớt giá mạnh tới 20%, khiến lạm phát tăng vọt, đầu tư “lao dốc” trong khi chi tiêu tiêu dùng sa sút đáng kể do thu nhập thực của người dân sụt giảm, từ đó làm chậm nhịp độ tăng trưởng kinh tế của xứ sở sương mù. Cũng theo NIESR, trong dài hạn, việc rời khỏi EU có thể sẽ khiến GDP của Anh giảm 1,5-3,7% vào năm 2030.

Trả lời phỏng vấn báo Đức “Bild” ngày 13-6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo việc Anh rời EU có thể là sự khởi đầu quá trình hủy hoại không chỉ EU mà còn toàn bộ nền văn minh chính trị phương Tây. Ông Tusk cho rằng nếu điều này xảy ra, tất cả các thành viên EU đều sẽ thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là nước Anh; trong khi về chính trị, Brexit sẽ kích động toàn bộ những người cực đoan chống hội nhập châu Âu từ bên trong nhiều nước thành viên hay nói cách khác là sự khởi đầu quá trình hủy hoại toàn bộ nền văn minh chính trị phương Tây.

Ở góc độ khác, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cảnh báo, Brexit có thể tạo ra cú sốc lớn về an ninh - quốc phòng. Nếu kịch bản Brexit xảy ra, Anh sẽ phải định hình lại toàn bộ các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, cắt giảm ngân sách quốc phòng và ngoại giao trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đáng kể.

Nếu cử tri Anh “Nói không” với việc ở lại EU, “quả bom” Brexit sẽ phát nổ vào ngày 23-6 tới với những hệ lụy khôn lường mà chưa thể tính tới, biết hết vào lúc này.