Bộ VH-TT&DL cần làm rõ nhiều nội dung của dự thảo chương trình chấn hưng văn hóa giai đoạn 2025-2035 |
Trong công văn gửi Bộ VH-TT&DL ngày 16-10, Bộ KH-ĐT đề nghị làm rõ nhiều nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa.
Cụ thể như về hồ sơ trình thẩm định, Bộ KH-ĐT đánh giá còn sơ sài , chưa rõ ý, một số nội dung vẫn chưa giải trình, tiếp thu đầy đủ… Mục tiêu, tên gọi, phạm vi và đối tượng, quy mô của chương trình này theo Bộ KH-ĐT cũng chưa rõ ràng, Bộ VH-TT&DL cần thuyết minh làm rõ hơn.
Đặc biệt, liên quan tổng mức vốn đầu tư và cơ cấu nguồn lực, Bộ KH-ĐT đánh giá, dự thảo mới nêu một số căn cứ xác định nhu cầu vốn ngân sách trung ương mà chưa nêu cơ sở, phương pháp xác định tổng vốn đầu tư của chương trình là 350.000 tỷ đồng trong 11 năm (2025-2035). Tổng vốn đầu tư cũng chưa được tính toán dựa trên mục tiêu, quy mô chương trình.
Cơ cấu nguồn lực thực hiện chương trình như VH-TT&DL đề xuất chưa thể hiện rõ cơ cấu từng nguồn vốn, chưa thống nhất giữa các tài liệu. Do đó, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ VH-TT&DL rà soát, chỉnh sửa tổng vốn đầu tư chương trình theo hướng chia theo từng nguồn và phân kỳ đầu tư theo giai đoạn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chưa thể hiện khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý để đảm bảo tập trung, có hiệu quả theo Luật Đầu tư công. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần bổ sung khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên.
Về khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, huy động các nguồn vốn và nguồn lực khác, cơ quan soạn thảo cũng cần làm rõ để đảm bảo tính khả thi.
Bộ VH-TT&DL cần làm rõ cơ sở huy động vốn địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đề xuất cho các cơ quan chỉ đạo địa phương được trích 1,5% nguồn ngân sách hỗ trợ trực tiếp Chương trình và áp dụng mức khoán chung 3% vốn đầu tư xây dựng cơ bản, làm kinh phí hoạt động, cũng phải làm rõ cơ sở.
Cơ quan soạn thảo ước tính đến năm 2030 sẽ cần 182.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương 110.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 82.500 tỷ; vốn sự nghiệp 27.500 tỷ); vốn địa phương 36.000 tỷ; nguồn khác 36.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại dành cho giai đoạn sau. Tuy nhiên, theo Bộ KH-ĐT, đến thời điểm này, chưa có cơ sở đề xuất nguồn lực cụ thể cả hai giai đoạn của chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Bộ KH-ĐT, nội dung chương trình của cơ quan soạn thảo rất rộng nên cần hoàn thiện theo hướng: Nghiên cứu, thiết kế 10 nội dung thành phần các dự án cụ thể đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 29 Luật Đầu tư công năm 2019;
Nêu rõ nguồn lực phân bổ cho từng nội dung/ dự án thành phần, các đề án, chương trình thuộc Chương trình, không chỉ vốn Trung ương mà bao gồm cả các nguồn vốn khác; cần bổ sung đánh giá kỹ cơ sở hiện trạng đã đầu tư, bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ của lĩnh vực văn hóa những năm qua để làm căn cứ xác định tổng mức đầu tư của toàn bộ chương trình;
Rà soát từng nội dung/ dự án thành phần để tránh trùng lặp với nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện…