Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông phải hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù còn rất nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán nhưng các nước ASEAN đều nhấn mạnh rằng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phải mang tính hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nhằm góp phần xây dựng lòng tin, quản lý hiệu quả hơn các sự cố trên Biển Đông.
Các đại biểu dự Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông

Các đại biểu dự Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông

Những khác biệt cản trở quá trình đàm phán COC

Các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc vừa tiến hành Hội nghị lần thứ 20 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) tại Hạ Long. Đây là lần đầu tiên sau 2 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, hội nghị mới được tổ chức. Hội nghị do Myanmar, nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, và Trung Quốc đồng chủ trì.

Tại hội nghị, các nước tái khẳng định giá trị, tầm quan trọng của DOC đối với khu vực, đánh giá cao một số kết quả tích cực trong thực hiện DOC thời gian qua. Trên cơ sở đó, các nước đều nhấn mạnh cần đạt được Bộ quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, góp phần xây dựng lòng tin, tin cậy, quản lý hiệu quả hơn các sự cố trên Biển Đông.

Tháng 8-2017, ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý về bản khung một trang để hướng dẫn các cuộc thảo luận trong tương lai. Một năm sau, các bên đã thông qua Văn bản dự thảo đàm phán duy nhất (SDNT) dài 19 trang, trong đó có nội dung đệ trình của mỗi bên trong số 11 bên về những gì COC nên được tính đến. Đến tháng 8-2019, các bên đã đưa ra bản dự thảo đầu tiên (dự kiến tổng cộng 3 bản) nhằm hợp nhất SDNT và bổ sung các đề xuất mới. Bước tiếp theo là đàm phán về bản dự thảo thứ hai, nhưng vì đại dịch Covid-19 nên không có cuộc họp nào được tổ chức từ đó tới nay.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán gặp rất nhiều khó khăn. Vướng mắc lớn nhất giữa ASEAN và Trung Quốc là hai bên còn khá nhiều điểm bất đồng. Thứ nhất, các nước ASEAN muốn có những đề xuất quy định cụ thể, trong khi Trung Quốc chỉ muốn đưa ra những nguyên tắc chung. Thứ hai là phạm vi áp dụng của COC, Trung Quốc chỉ muốn áp dụng ở Trường Sa, trong khi Việt Nam muốn áp dụng ở cả Trường Sa và Hoàng Sa; Philippines thì muốn bãi cạn Scarborough được đưa vào bộ quy tắc nhưng Trung Quốc không đồng ý. Thứ ba, khác biệt về hiệu lực và hiệu quả, ASEAN mong muốn có cơ chế để kiểm tra và có sự ràng buộc, tức là có một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý, Trung Quốc lại không muốn như vậy.

Bên cạnh đó, các đề xuất chi tiết để kiểm soát hành vi thái quá của các bên ở Biển Đông bị bác bỏ khi Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông vẫn đang được kiểm soát, đồng thời luôn duy trì 2 đề xuất mới: Hoạt động thăm dò và phát triển dầu khí trong các vùng nước tranh chấp chỉ có thể được các quốc gia ven Biển Đông thực hiện mà không có sự hợp tác của các công ty nước ngoài khu vực; Các bên thành viên COC không được tiến hành các hoạt động diễn tập quân sự với nước ngoài trừ khi các quốc gia hữu quan được thông báo và không phản đối.

Giáo sư, Tiến sĩ Leszek Buszynski thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận định: “Những gì ASEAN mong muốn rất khác so với những gì mà Trung Quốc muốn. Trong khi ASEAN muốn có một bộ quy tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS thì Trung Quốc muốn đạt được một tuyên bố về các nguyên tắc mơ hồ nhưng loại trừ được sự hiện diện quân sự ở khu vực Biển Đông của các nước lớn, chẳng hạn như Mỹ và Nhật Bản…”.

Trong khi đó, trên thực địa, Trung Quốc liên tục có các hành động gây hấn. Các sự cố đáng chú ý nhất bao gồm cuộc đối đầu ở bãi cạn Scarborough năm 2012 giữa Trung Quốc và Philippines, cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014 giữa Trung Quốc và Việt Nam, việc Trung Quốc bất chấp phản ứng của dư luận quốc tế cho xây dựng và quân sự hóa 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các sự cố ít nghiêm trọng nhưng cũng không kém phần đáng lo ngại khác là các vụ Trung Quốc liên tục quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của một số nước ASEAN tại Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), trong đó có Việt Nam, tấn công bạo lực ngư dân các nước ASEAN.

COC phải là công cụ có thể quản trị hành vi ở Biển Đông

Việc xây dựng một COC thực chất và hiệu quả đã trở thành yêu cầu cấp bách, là mục tiêu mà các quốc gia khác trong khu vực hướng đến. Điểm chung nhất của cả khu vực và thế giới là duy trì hòa bình và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Đây là điều tất cả các nước mong muốn, trong đó có Việt Nam. Tất cả các nước đều thấy đây là tuyến giao thông hàng hải, hàng không địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng. Không có hòa bình ở Biển Đông thì khó có thể phát triển.

Tuy nhiên, thực tế là trong khu vực này có những tranh chấp, chồng lấn về đòi hỏi chủ quyền. Điều này đặt ra yêu cầu phải giải quyết vấn đề phát sinh bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và UNCLOS. Những tranh chấp liên quan đến hai bên thì hai bên giải quyết, tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì nhiều bên giải quyết, những tranh chấp chồng lấn chưa giải quyết được thì cần phải tìm cách quản trị để không ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải.

Chính vì vậy, COC phải là công cụ có thể quản trị hành vi của các quốc gia, đặc biệt là những nước có chồng lấn về đòi hỏi chủ quyền, ngăn chặn không để bất kỳ bên nào có hành động làm phức tạp thêm tình hình, làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia theo UNCLOS. Tức là COC phải có hiệu quả và thực chất. Để đạt được COC hiệu quả, thực chất thì các nước phải có thiện chí, còn nếu không thì COC chỉ là hình thức.

Thêm vào đó, theo ông Aristyo Rizka Darmawan, chuyên gia luật quốc tế và an ninh hàng hải thuộc Đại học Indonesia, bất kể COC có ràng buộc về mặt pháp lý hay không thì điều cốt yếu là phải xây dựng cơ chế giám sát và tuân thủ để đảm bảo tính hiệu quả của bộ quy tắc. Thành công của COC phải được đo bằng mức độ các bên tuân thủ. COC có thể thành lập một cơ quan có thẩm quyền thu thập thông tin về những vụ việc vi phạm. Cơ quan độc lập này cần phải có sự tham gia của đại diện tất cả các bên nhằm đảm bảo độ tin cậy và sẽ chịu trách nhiệm thông tin thường xuyên về mức độ tuân thủ.

Trong khi đẩy mạnh các nỗ lực đạt được COC thực chất, hiệu quả, các nước cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ mọi điều khoản của DOC. Nỗ lực này sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC. Trước thực trạng tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp với các hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế vẫn tiếp diễn, tại Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 vừa rồi, đại diện của Việt Nam đã đề nghị các nước cần phát huy “Nói đi đôi với làm”, biến các cam kết chính trị thành các hành động cụ thể, phù hợp trên thực địa. Trên tinh thần đó, phía Việt Nam nhấn mạnh cần lấy các quy định của luật pháp quốc tế và UNCLOS làm “kim chỉ nam” cho các hoạt động trên Biển Đông.