Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội:

Bình ổn giá quá chậm

(ANTĐ) - Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tiền hỗ trợ bình ổn giá năm 2011 vẫn chưa “về” đến doanh nghiệp.

Giá cả một số loại thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn những ngày qua tăng khá nhiều so với cuối tháng 5. Lẽ ra, thời điểm này, Hà Nội đã phải thực hiện cơ bản chương trình bình ổn giá để ổn định đời sống nhân dân nhưng theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tiền hỗ trợ bình ổn giá năm 2011 vẫn chưa “về” đến doanh nghiệp.

 Giá thịt lợn tăng cao trong những ngày qua (Ảnh minh hoạ)
 Giá thịt lợn tăng cao trong những ngày qua (Ảnh minh hoạ)

- Thưa ông, các siêu thị được giao nhiệm vụ bình ổn giá trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện nhiệm vụ của mình khi giá cả tăng cao chưa?

- Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi biết, chương trình bình ổn giá vẫn chưa triển khai. Các sở, ngành liên quan vừa xét duyệt danh sách doanh nghiệp được hỗ trợ vốn để bình ổn giá xong, sau đó còn đợi “tiền về”. Làm như thế là rất chậm, bởi chương trình này của năm 2010 và 2011 đã bị gián đoạn mấy tháng rồi. Giờ thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn tăng cao, thuỷ hải sản cũng tăng theo, nếu đúng như chủ trương kế hoạch đề ra ban đầu thì có thể áp dụng bình ổn giá với các mặt hàng này.

- Quy trình xét duyệt doanh nghiệp đã gây nên sự chậm trễ này, thưa ông?

- Ông Vũ Vinh Phú: Tôi không nắm rõ lý do vì sao, nhưng lẽ ra các doanh nghiệp phải tham gia đấu thầu để được hưởng vốn hỗ trợ, thay vì xét duyệt “kín” giữa một số cơ quan với nhau. Chính vì xét duyệt “kín” nên mới xảy ra hiện tượng đơn vị không tham gia bình ổn lại bán hàng với giá thấp hơn đơn vị tham gia bình ổn.

Năm 2010, tôi vào siêu thị BigC, siêu thị này chỉ bán 2.000 đồng/củ su hào, nhưng ở các siêu thị được hỗ trợ bình ổn của Hà Nội lại bán với giá 3.000 đồng/củ. Làm bình ổn giá theo phương thức cũ là ép giá mua, ép giá bán, không sòng phẳng, minh bạch. Tôi thấy nên tổ chức đấu thầu cho công bằng và hiệu quả. Bình ổn giá ở khu vực nông thôn cũng chưa có những chủ trương rõ ràng, cụ thể. Mặt khác, giờ vẫn lúng túng xác định “thế nào là giá thị trường”, thế nào là bất thường và thấp hơn giá thị trường 10% được xác định ra sao.

- Như vậy, chương trình bình ổn giá đang… không ổn?

- Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi không nên bình ổn thương mại mà nên để doanh nghiệp tự trích quỹ bình ổn để điều chỉnh chứ không phải là Nhà nước bao cấp. Mục đích thì tốt, nhưng phương thức thực hiện chưa tốt. Doanh nghiệp phải tự trích quỹ bình ổn thì họ mới sử dụng quỹ này hợp lý và tiết kiệm, tiền Nhà nước cho vay với lãi suất 0% có khi họ lại tiêu hoang. “Bầu sữa” bao cấp của Nhà nước không nên hỗ trợ doanh nghiệp theo kiểu này. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa rồi đã bỏ chương trình bình ổn, vì không hiệu quả.

- Các doanh nghiệp có tính toán được, bao nhiêu phần trăm vốn hỗ trợ bình ổn giá năm 2010 được sử dụng hiệu quả không, thưa ông?

- Ông Vũ Vinh Phú: Không ai quyết toán được bao nhiêu phần trăm vốn hỗ trợ bình ổn giá được sử dụng và sử dụng mang lại hiệu quả như thế nào. Chỉ thấy bình ổn mà giá vẫn lên vù vù. Doanh nghiệp được bình ổn giá ít cạnh tranh.

- Vậy bình ổn giá nên thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi, nên hỗ trợ tiền trực tiếp cho người nghèo, người thu nhập thấp ở vùng nông thôn và hướng dẫn cho họ về những nơi có thể mua hàng với giá hợp lý, cạnh tranh. Hiện giờ bình ổn theo kiểu cứ bắt người ta phải mua hàng này, hàng nọ. Ví dụ người nghèo cần mua gạo tẻ thường thì siêu thị lại bình ổn giá gạo tám Điện Biên; họ cần mua cá tươi thông dụng thì siêu thị lại bình ổn hàng thủy hải sản đông lạnh…

- Vậy bình ổn giá có làm lợi cho các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ?

- Ông Vũ Vinh Phú: Rõ ràng là doanh nghiệp đỡ một phần vốn vay. Giả sử họ đang phải vay ngân hàng với lãi suất 21%/năm thì giờ được hỗ trợ một số tiền trong gần 1 năm với lãi suất 0%. Đó là còn chưa kể việc thời điểm này không dễ để doanh nghiệp vay tiền ngân hàng.

Các doanh nghiệp được ứng vốn để bình ổn giá:
- Tổng công ty Thương mại Hà Nội
- Công ty TNHH Nhà nước MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội
- Công ty cổ phần Nhất Nam (Fivimart); Công ty cổ phần Intimex Việt Nam
- Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Vinh Anh
- Công ty TNHH MTV Lan Chi Bussiness
- Công ty TNHH Phát triển Thành Đồng II
- Công ty TNHH 2-9 Hà Tây
- Công ty TNHH Minh Hiền
- Công ty TNHH MTV sách, thiết bị và trường học
- Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại An Việt