Biểu tình chống giới tài phiệt lan khắp Mỹ và thế giới

ANTĐ - Tuần qua, cuộc biểu tình phản đối nạn thất nghiệp và chính sách bơm tiền cho các ngân hàng của Chính phủ Mỹ khởi đầu từ Phố Wall đã lan rộng. Làn sóng biểu tình chống sự lạm dụng và quyền lực vô hình của các tập đoàn tài phiệt Phố Wall, hay còn gọi là phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” (Occupy Wall Street) đã kéo dài và có xu hướng lan rộng ra khắp các thành phố lớn của nước Mỹ và các châu lục khác, bất chấp hàng trăm người đã bị bắt giữ ở thành phố New York, nơi khởi nguồn của phong trào suốt từ ngày 17- 9 tới nay.

Người biểu tình Alexis Morris bị bắt cùng một số người khác tại Công viên Zucotti, New York . Ảnh: AP

Tính đến ngày 4-10, “Chiếm lấy Phố Wall” đã lan đến thành phố Los Angeles và San Francisco (bang California), thành phố Chicago (bang Illinois), khu buôn bán sầm uất ở thành phố Boston (bang Massachussette)…

Sau khi Chính phủ Mỹ lần thứ bảy “bơm tiền” cho các ngân hàng nhằm cứu vãn nền kinh tế đang giảm đà tăng trưởng và tình trạng thất nghiệp chưa được cải thiện. Những người phản đối - làm nổ ra các cuộc biểu tình - cho đây là việc làm lãng phí và không có hiệu quả tích cực. Người biểu tình đánh trống, thổi còi và giơ cao biểu ngữ phản đối gói cứu trợ của Chính phủ dành cho ngân hàng, tập đoàn tư bản và sự ảnh hưởng của các tập đoàn tư bản đối với chính trị.  Theo họ, các định chế tài chính lớn hủy hoại nền kinh tế tại phố Wall, cho nên Chính phủ không nên đổ thêm tiền để cứu các ngân hàng đáng phải bị xóa sổ vì hoạt động kém.

Người biểu tình Phố Wall bắt đầu chiếm giữ một công viên nhỏ ở Hạ Manhattan từ 2 tuần trước nhằm phản đối kế hoạch giải cứu công ty và ảnh hưởng của các định chế tài chính trong nền chính trị. Công viên Zuccotti hiện được coi là “tổng hành dinh” của những người biểu tình tự xưng là thành viên phong trào “Chiếm lấy phố Wall”. Tại khu vực Hạ Manhattan, hàng trăm người biểu tình hôm 2-10 cũng phong tỏa đường phố và làm tắc nghẽn giao thông. Tối 1-10 trước đó, hơn 1.000 người diễu hành biểu tình một cách hòa bình tới các trụ sở cảnh sát ở khu vực City Hall, New York.

 Những người biểu tình hò hét, giăng biểu ngữ phản đối bạo lực cực đoan và đối xử bất công với các nhóm thiểu số, bao gồm những người Hồi giáo tại Mỹ, việc tịch thu nhà cửa của chính phủ, tỉ lệ thất nghiệp cao... Tiếp đó, người biểu tình tràn tới phong tỏa cầu Brooklyn. Nhằm duy trì an toàn giao thông, nhiều người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ. Chỉ trong chiều tối 1-10, tại khu vực cầu Brooklyn của New York, cảnh sát thành phố này đã bắt giữ khoảng 700 người nhằm khống chế đám đông và tránh ách tắc giao thông khi người biểu tình phong tỏa cầu Brooklyn, buộc cây cầu phải đóng cửa trong vài giờ liền. Trong khi đó, tại Hạ Manhattan, trung tâm tài chính - ngân hàng của Mỹ, hàng trăm người biểu tình cũng đã làm tắc nghẽn giao thông trong nhiều giờ. Làn sóng biểu tình chống Phố Wall ở New York đã lan sang các thành phố lớn khác trên khắp nước Mỹ như Boston, Chicago, San Francisco....

Cuộc biểu tình Phố Wall lấy cảm hứng từ phong trào nổi dậy Mùa xuân Arab nhằm hối thúc Tổng thống Mỹ Barack Obama thành lập một ủy ban chấm dứt sự chi phối của đồng tiền đến các vấn đề chính trị, đồng thời “là một biểu tượng của sự bất mãn với bối cảnh kinh tế và chính trị hiện nay”. Trong bài phát biểu gần đây ở Cleveland, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi tỷ lệ thất nghiệp trên 9% kể từ tháng 4-2009.

Những định chế tài chính hiện tại của nước Mỹ được đánh giá là chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và đẩy gánh nặng thuế má sang những người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc nghèo khó. Tháng trước, ngay khi xảy ra cuộc biểu tình đầu tiên trên Phố Wall, Tổng thống Mỹ B.Obama đã đưa ra đề xuất tăng thuế với người giàu nhằm bảo đảm những nhà triệu phú sẽ đóng một mức thuế tối thiểu bằng với tầng lớp trung lưu hay còn gọi là thuế “Buffett” do tỷ phú Warren Buffett đề xuất. Tuy nhiên, theo đa số công dân Mỹ, để giảm được khoảng cách giàu - nghèo hiện nay, tăng thuế thu nhập của giới nhà giàu là chưa đủ. Sự bất bình đẳng nghiêm trọng nhất tại Mỹ không phải là thu nhập mà là tài sản. Nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ kiếm tương đương 21% thu nhập quốc gia, nhưng sở hữu tới 35% tổng tài sản quốc gia. Chính phủ Mỹ cần áp thuế trực tiếp lên tài sản của giới nhà giàu. Trên thực tế, từ năm 2008, Pháp, Na Uy, Thụy Sĩ và 5 quốc gia khác thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đã áp dụng loại thuế này.

Cuộc chiến “đường phố” nhằm vào tầng lớp giàu có tại Mỹ đã loang rộng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phong trào biểu tình chiếm khu phố tài chính Wall Street ở New York bước sang tuần thứ ba liên tiếp và đang lan khắp nước Mỹ với mức độ nghiêm trọng ngày một tăng.

Tại Manhattan, New York, hàng trăm người biểu tình ăn mặc theo kiểu các zombie (xác chết) có gương mặt được sơn màu trắng, bước đi lảo đảo qua Thị trường Chứng khoán New York, với những tờ tiền giả trên tay. Đây là cách họ biểu thị sự tức giận đối với cái mà họ gọi là “sự tham lam của các doanh nghiệp”.

Tại Chicago, bang Illinois, người biểu tình đổ ra các con phố tại trung tâm tài chính của thành phố. Nhiều người cắm trại và giương cao những khẩu hiệu phản đối tại Boston (bang Massachusetts), St Louis (bang Missouri) và một số thành phố khác của bang Kansas.

Vụ bắt giữ 700 người biểu tình tại cầu Brooklyn ở New York tuần qua cho thấy sự rạn nứt trong xã hội, từ những sinh viên lo lắng về triển vọng việc làm của họ cho tới những người lao động trung niên. Hàng trăm người bị bắt giữ không làm phong trào biểu tình thuyên giảm, mà còn khiến sự giận dữ càng tăng thêm.

Một người biểu tình tại Chicago đeo tấm bìa carton có dòng chữ “Chấm dứt sự kiểm soát bởi 1%”,

 46,2 triệu người Mỹ thuộc diện nghèo đói

Tuần trước, các số liệu điều tra dân số chính thức cho biết, cứ 6 người Mỹ thì có 1 người sống trong cảnh nghèo đói. Tổng cộng có 46,2 triệu người Mỹ thuộc diện nghèo đói. Tỷ lệ người nghèo ở Mỹ hiện là 15,1%, cao hơn bất cứ nước nào thuộc nhóm công nghiệp phát triển. Nhiều chuyên gia cho rằng, con số này còn tiếp tục tăng.

Không khó để tìm ra những người Mỹ bị xếp vào danh sách trên. Đó là Tim Cordova, từng một thời làm quản lý nhà hàng McDonald’s ở New Mexico, giờ sống cùng với vợ tại trung tâm vô gia cư và ngủ trong ô tô. Đó là Bill Ricker, 74 tuổi, thợ sửa máy, đang sống trong ngôi nhà đổ nát xiêu vẹo được làm từ thùng xe tải ở ngoại ô Maine. Đó là Brandi Wells, một bà mẹ đơn thân ở Tây Virginia, đang phải chật vật tìm việc để nuôi đứa con 10 tháng tuổi. “Tôi không nhận thấy là tình hình lại xấu đi nhanh đến như thế”, chị Wells nói. M.Edelman, Quỹ Bảo vệ trẻ em, cho rằng tỉ lệ trẻ em nghèo đói tăng mạnh là “nỗi xấu hổ quốc gia”. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders dẫn ra các bằng chứng kết luận rằng, nghèo đói làm giảm tuổi thọ. Ông nhấn mạnh những con số này là “bản án tử hình cho hàng chục ngàn người”.

Keith Bobo, người dân ở thị trấn Pembroke, bang Illinois, một trong những vùng nghèo nhất ở vùng trung tâm phía tây Mỹ mô tả điều kiện sống ở đây giống như các nước thuộc thế giới thứ 3. Tại Pembroke không hề có bưu điện, siêu thị, cửa hàng dược phẩm, cửa hàng đồ trẻ em, thậm chí là trạm xăng. Trường học đã bị đóng cửa. Cảnh sát mất việc làm. “Nhiều người cảm thấy họ đang ở trên một hoang đảo, không ai biết họ đang tồn tại”, ông Bobo nói.

Cách đó 75 dặm, ở ngoại ô Hoffman Estates của Chicago, hàng chục gia đình đang xếp hàng kiên nhẫn bên ngoài một trung tâm nhân đạo để nhận thực phẩm cứu tế. Trong số đó có Kris Fallon, bà mẹ của hai đứa trẻ. Cô khóc lóc kể rằng, hai vợ chồng từng kiếm được 100.000USD/năm nhưng đã mất việc và mất tất cả. “Trước đây, tôi từng không hiểu tại sao có nhiều trung tâm phát chẩn thức ăn đến thế và tại sao người ta không đứng trên đôi chân của mình để vượt qua khó khăn. Nhưng giờ thì chính tôi lâm vào hoàn cảnh đó và tôi đã thực sự thấu hiểu”, Kris bày tỏ nỗi chán chường của mình.