Biến thể mới virus SARS-CoV-2 bùng phát ở Ấn Độ chứa đựng đột biến, lây truyền cao hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giới chuyên gia tin rằng một trong những nguyên nhân hàng đầu đẩy Ấn Độ tới điểm bùng phát đại dịch Covid-19 tồi tệ nhất thế giới như hiện nay là do các biến thể đột biến virus SARS-CoV-2. Các biến thể làm tăng tỷ lệ lây nhiễm hoặc thậm chí “giảm kháng thể trung hòa” do cơ thể sản xuất ra này, hiện đã nhanh chóng xuất hiện tại nhiều châu lục trên thế giới như châu Âu, châu Á và châu Mỹ và tiếp tục biến đổi không ngừng.

Hàng loạt biến thể mới - đột biến mới

Một loạt biến thể mới, đột biến mới được tìm thấy ở Ấn Độ. Cụ thể, một biến thể được gọi là B.1.36, được phát hiện ở các trường hợp nhiễm bệnh tại Bengaluru. Đột biến N440K có nguồn gốc từ biến thể B.1.36 này, lại được tìm thấy trong phần lớn các ca nhiễm bệnh ở các bang miền Nam. Theo các chuyên gia y tế, mặc dù dữ liệu còn thiếu song đã có một số bằng chứng cho thấy biến thể B.1.36 có thể chịu trách nhiệm cho một số trường hợp tái nhiễm trùng.

Biến thể B.1.1.7 hiện đang chiếm ưu thế trong các trường hợp mới ở vùng Punjab. Một biến thể khác, gần đây được đặt tên là B.1.617, nổi bật về sự gia tăng đột biến, được tìm thấy ở các ca bệnh tại Maharashtra. Biến thể này chứa hai đột biến cụ thể, được gọi là E484Q và L452R. Cả hai đột biến này đều làm thay đổi vùng tăng đột biến, cho phép nó liên kết dễ dàng hơn với các tế bào. Biến thể này dường như lây lan dễ dàng hơn giữa mọi người. Nhưng đáng lo ngại hơn, các nghiên cứu gần đây cho thấy đột biến L452R còn có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch, né tránh cả các kháng thể được tạo ra bởi một bệnh nhiễm trùng trước đó hoặc vaccine cũng như các dạng miễn dịch khác không dựa vào kháng thể.

Một biến thể đột biến khác được đặt tên là B1618 được xác định xuất hiện tại 4 bang ở Ấn Độ là Maharashtra, Dehli, Tây Bengal và Chhattisgarh. Biến thể này mang đột biến E484K - có trong biến thể Nam Phi (B1351) và biến thể Brazil (P1), có khả năng lây truyền cao và giúp virus vượt qua hệ thống phòng thủ miễn dịch của cơ thể.

Trở tay có kịp?

Một số chuyên gia lo ngại các biến thể ở Ấn Độ có khả năng đang biến thành một loại “siêu đột biến” và sẽ tiếp tục lan rộng trên thế giới. Hiện biến thể này đã xuất hiện tại Thụy Sỹ, liên quan đến một hành khách quá cảnh tại sân bay; tại Bỉ khi 21 sinh viên Ấn Độ nhập cảnh có xét nghiệm dương tính với biến thể này; tại Italy với 2 trường hợp là hai cha con gốc Ấn Độ vừa từ Ấn Độ trở về Italy thời gian gần đây.

Indonesia cũng vừa xác nhận biến thể Ấn Độ mới đã xâm nhập vào nước này và lây nhiễm cho 10 người, trong đó 6 ca là nhập cảnh, và số còn lại là các ca lây nhiễm nội địa tại các tỉnh Sumatra, Tây Java và Nam Kalimantan. Chính phủ Nhật Bản vừa công bố 5 ca mắc Covid-19 ở nước này nhiễm biến thể mới Ấn Độ. Biến thể B.1.617 cũng đã được phát hiện ở Đức, Vương quốc Anh, Mỹ, Australia và Singapore….

Trước đó, 2 biến thể virus Corona được biết tới nhiều nhất, ngoài chủng virus gốc xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, là biến thể ở Anh (có tên là B.1.1.7) - đã xuất hiện ở 50 nước và vùng lãnh thổ và được cho là đang tiếp tục biến đổi - và biến thể ở Nam Phi (có tên là B.1.351) đã xuất hiện ở 20 nước.

Các chuyên gia y tế lo ngại rằng các biến thể mới trên và các biến thể sắp xuất hiện có thể ảnh hưởng mạnh đến hiệu quả của vaccine. Nhà nghiên cứu Sreedhar Chinnaswamy thuộc Viện Gene Y sinh Quốc gia cho hay: “Bạn có thể không an toàn với biến thể B.1.618 ngay cả khi đã tiêm phòng vaccine Covid-19 hoặc từng mắc bệnh một lần”. Tiến sĩ Madhukar Pai tại Đại học McGill (Canada) khẳng định vaccine Covid-19 cần tiếp tục được điều chỉnh và để làm được điều đó, giới chuyên môn phải tiến hành tìm hiểu, giải trình tự gene virus - điều đòi hỏi rất nhiều thời gian trong khi các biến thể virus SARS-CoV-2 biến đổi không ngừng.

Bên cạnh đó, thế giới đang rơi vào tình trạng không đủ vaccine khi số ca nhiễm không ngừng tăng lên và vaccine chỉ có tác dụng chống lại bệnh tật, chứ không chống lại sự lây nhiễm. Trong tình thế này, theo các chuyên gia y tế, chỉ có việc tuân thủ nghiêm ngặt và tăng cường các biện pháp phòng dịch như tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang, rửa tay mới có thể hạn chế sự lây lan của virus chết người này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Biến thể B.1.617 có nguồn gốc tại Ấn Độ đã được phát hiện trong hơn 1.200 chuỗi trình tự gene có trên dữ liệu mở GISAID của ít nhất 17 nước

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Biến thể B.1.617 có nguồn gốc tại Ấn Độ đã được phát hiện trong hơn 1.200 chuỗi trình tự gene có trên dữ liệu mở GISAID của ít nhất 17 nước

Dễ lây lan hơn, nhưng lại rất khó truy vết

Ngày 28-4, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cảnh báo các biến thể đôi B.1.617 của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ dường như dễ lây lan hơn. Phát biểu tại một Ủy ban Hạ viện, Bộ trưởng Nishimura, quan chức phụ trách công tác ứng phó với dịch Covid-19 cho biết, Nhật Bản hiện không thể truy vết hơn 60% ca nhiễm mới ở Thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka. Vì vậy, ông kêu gọi người dân ở nhà trong kỳ nghỉ dài vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Trước đó một ngày, Chánh Văn phòng nội các Katsunobu Kato cho biết nước này đã phát hiện 21 ca nhiễm biến thể đôi B.1.617, trong đó có một người trong nước và 20 người được phát hiện trong quá trình kiểm dịch ở sân bay. Ông khẳng định Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp triệt để, trong đó có việc tăng cường hệ thống giám sát, đồng thời hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức khác để thu thập thông tin.

Do sự xuất hiện của các biến thể mới, ngày 27-4, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 4.965 ca nhiễm mới và 63 ca tử vong. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới ở tỉnh Osaka đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.200 ca/ngày trong 6 ngày qua - cụ thể là 1.230 ca, trong khi số ca nhiễm mới ở Thủ đô Tokyo là 828, tăng 18,7% so với một tuần trước đó. Tính tới thời điểm này, số bệnh nhân tử vong ở Nhật Bản đã vượt ngưỡng 10.000 người. Các số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy số ca tử vong đã chạm ngưỡng 5.000 sau một năm kể từ khi nước này phát hiện bệnh nhân đầu tiên, nhưng chỉ mất 3 tháng để lên mức 10.000 ca.