Biến rác thành “đảo vàng”

ANTĐ - Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2008 dự báo mỗi năm Việt Nam đang mất đi ít nhất 69 triệu USD từ ngành du lịch do hệ thống xử lý vệ sinh kém. Ô nhiễm môi trường cũng làm giảm đi sức thu hút khách của ngành du lịch. 

Du lịch… rác

Semakau Landfill (Singapore) đã thành một khu du lịch sinh thái đa dạng

Đầu năm 2011, Singapore được chọn là thành phố xanh nhất châu Á. Đây là kết quả nghiên cứu do tập đoàn Siemens (Đức) khởi xướng. Để trở thành đô thị xanh theo đúng nghĩa, Singapore nhiều năm qua đã hình thành một cơ chế thu gom rác rất hiệu quả. Mô hình Hòn đảo chôn rác nhân tạo Semakau Landfill - bãi chôn rác duy nhất hiện nay của Singapore, cách 8km theo đường chim bay ngoài khơi bờ biển phía nam đảo quốc sư tử là một ví dụ. Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới (bắt đầu hoạt động 10 năm trước) tạo ra một bãi chôn rác nằm hoàn toàn giữa biển khơi. Bắt đầu hoạt động năm 1999, Semakau Landfill có tổng diện tích 350ha và có thể chứa 63 tỷ mét khối rác, người Singapore không còn phải đau đầu về chuyện tìm chỗ đổ rác ít nhất đến sau năm 2045.

Thật ra bãi rác Semakau Landfill không hoàn toàn là nhân tạo. Ban đầu đó chỉ là 2 hòn đảo nhỏ là Pulau Semakau và Pulau Sakeng nằm gần nhau. Người ta cho xây một bờ kè dài 7 km bằng đá, cát, đất sét, chất chống thấm và rò rỉ, vây quanh khoảng trống của 2 hòn đảo, phần biển trong bờ kè được phân thành nhiều ô nhỏ (cũng bởi các bờ kè). Rác sau khi được đốt thành tro được đổ vào các ô này đến khi đầy, hết ô này đến ô khác, hết năm này sang năm khác đã tạo ra một hòn đảo nhân tạo như một khu bảo tồn thiên nhiên, du lịch của địa phương. Hệ sinh vật ở “Bãi rác” Semakau Landfill rất phong phú với hơn 700 loại thực vật và động vật, đặc biệt một số loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng sinh sống ở đây, thu hút nhiều khách thăm quan, thậm chí cả những cặp đôi chụp ảnh cưới, số khách du lịch đã tăng gấp 3 lần từ 4.000 trong năm 2005 lên 13.000 lượt người trong năm 2010. Một số nước cũng sử dụng mô hình xử lý chất thải này để biến các bãi rác thành khu phục vụ lợi ích công cộng. Tại New York, các bãi rác trên Staten Island, đóng cửa vào năm 2001, sẽ mở cửa trở lại như một công viên vào khoảng năm 2035.

Thành phố nổi trên biển và khách sạn từ rác

Các kiến trúc sư Hà Lan đang theo đuổi một kế hoạch khá táo bạo - Biến rác thành thành phố nổi trên biển với hy vọng có thể giải quyết phần nào khối lượng rác thải khổng lồ trên Thái Bình Dương. Với 3 mục tiêu: dọn sạch rác thải trên các đại dương, tạo ra vùng đất mới và xây dựng nơi sống bền vững với môi trường, theo đó, một hòn đảo nhân tạo với kích cỡ xấp xỉ đảo du lịch Hawaii của Mỹ sẽ được xây dựng. Các kiến trúc sư dự định sẽ tái chế nhựa thải ngay tại chỗ (khoảng 44.000 tấn trôi nổi trên khu vực Bắc Thái Bình Dương) thành những kết cấu rỗng gắn chặt với nhau, đóng vai trò là phần móng nâng đỡ “Đảo tái chế”, với diện tích 10.000km2 đủ cho 500.000 dân sinh sống. Mặt trời và sóng biển sẽ là nguồn năng lượng chủ yếu trên đảo. Ngoài ra, các nhà thiết kế cũng dự định xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp rộng lớn bao quanh thành phố để cư dân có thể tự túc lương thực -thực phẩm. Bên cạnh phát triển nông nghiệp, “Đảo tái chế” cũng hướng tới trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.

Trong khi đó, một khách sạn được làm bằng rác thải đã mở cửa đón du khách đầu tiên từ hồi đầu năm nay. Khách sạn này toạ lạc giữa khu vực trung tâm Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Khách sạn gồm 5 phòng đôi và được trang bị bằng đồ nội thất cao cấp, ngay từ xa khách sạn đã gây ấn tượng với 4 bức tường làm từ rác thải. Khoảng 30%-40% vật liệu xây dựng khách sạn được thu gom từ các bãi biển ở Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha, và từ các bãi chôn lấp...  sau đó đều qua các công đoạn khử trùng kỹ lưỡng. Đến với khách sạn rác, du khách không chỉ được trải nghiệm không gian sang trọng mà còn biết đến thông điệp về môi trường rằng, khách sạn bằng rác là một bức tranh do chính ngành du lịch và các du khách vẽ nên chứ không phải ai khác.